(lamchame.vn) - Bệnh thoái hóa khớp vốn là căn bệnh thường chỉ gặp ở những người lớn tuổi nhưng hiện nay, bệnh lại đang có xu hướng trẻ hóa.
Chị Lê Hân (27 tuổi, Hà Nội) luôn gặp tình trạng đau khớp gối, tay chân mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc khi làm việc nặng. Có lúc, chị còn không thể đi nổi. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm khớp do tình trạng thừa cân, nếu để lâu sẽ gây thoái hóa khớp. Hiện, chị đang được bác sĩ hướng dẫn cách giảm cân để giảm bớt tình trạng đau đớn do viêm khớp.
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, tỷ lệ thoái hóa khớp tại Việt Nam ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, khoảng 30% người trên 35 tuổi, 50% người trên 65 tuổi và 85% người trên tuổi 85 tuổi gặp các vấn đề về thoái hóa khớp. Sau độ tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 1,5 - 2 lần so với nam giới. Thừa cân, béo phì thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp diễn ra nhanh chóng. Ngược lại, thoái hóa khớp làm hạn chế khả năng vận động, từ đó góp phần làm tăng cân nặng.
TS Nam Anh cho biết ở trạng thái bình thường, trọng lượng cơ thể sẽ chia đều cho hai khớp gối. Tuy nhiên, khi di chuyển, toàn bộ trọng lượng cơ thể đè ép hoàn toàn 100% lên chân trụ. Khi leo cầu thang, cơ tứ đầu đùi ở phía trên khớp gối phải co lại và ép chặt vào hai mặt khớp để kéo cơ thể đi lên; tư thế cúi người về phía trước nhằm giữ thăng bằng cũng làm trọng tâm cơ thể rơi vào chân trụ, từ đó tăng áp lực lên khớp gối. Khớp gối ở chân trụ (chân gập lại) sẽ chịu áp lực gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể.
Thừa cân béo phì sẽ làm tăng áp lực tại khớp, gây chèn ép, nứt hoặc rách sụn hoặc khiến bề mặt sụn, khớp bị hao mòn theo thời gian.
Béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Ảnh minh họa
Ngoài ra, người thừa cân béo phì thường đi kèm tình trạng rối loạn chuyển hóa, với hàm lượng cholesterol trong máu và các chất béo có hại tăng cao, gây xơ vữa mạch vành, hẹp mạch vành, tiểu đường… Những bệnh lý này làm tình trạng thoái hóa khớp có thể nặng hơn, nhanh hơn. Rối loạn chuyển hóa cũng có thể làm các tế bào sụn chết nhanh hơn, tổn thương xương dưới sụn.
Để điều trị thoái hóa khớp hiệu quả, song song các chỉ định về dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp các phương pháp duy trì cân nặng hợp lý. Bác sĩ luôn khuyến nghị những người mắc thoái hóa khớp có biểu hiện thừa cân nên giảm cân. Cân nặng giảm xuống, áp lực lên khớp, đặc biệt là khớp gối cũng giảm theo, giúp việc điều trị thoái hoá khớp hiệu quả hơn. Theo TS Nam Anh, tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở Việt Nam hiện nay cao hơn thoái hóa khớp háng, khớp cổ chân.
Tuy nhiên, TS Nam Anh lưu ý việc giảm cân phải được thực hiện một cách khoa học. Nếu giảm nhiều cân trong thời gian ngắn có thể khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Ngoài giảm cân, để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển thoái hóa khớp hiệu quả, mọi người cần thực hiện cả những điều sau:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học với lượng calo nạp vào phù hợp.
- Hạn chế các thực phẩm có nhiều chất béo có hại và rượu bia.
- Duy trì chế độ luyện tập thể thao hợp lý, tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Đi khám sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là kiểm tra tình trạng sức khoẻ của khớp gối.