Trang Chủ > Sức khỏe > Các nước tiêm liều thứ 4 vaccine Covid-19 thế nào

Các nước tiêm liều thứ 4 vaccine Covid-19 thế nào

VnExpress
30/06/2022 08:39:01

Cuối năm ngoái, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 4 cho tất cả người từ 60 tuổi trở lên, tạo cơ sở để nhiều nước khác có động thái tương tự.

Sau Israel, nhiều quốc gia triển khai tiêm liều 4 cho người cao tuổi, phần lớn đều tự nguyện.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 29/3 phê duyệt tiêm liều 4 vaccine Pfizer và Moderna cho người từ 50 tuổi trở lên. Liều thứ 4 tiêm sau liều ba ít nhất 4 tháng. Người từ 12 tuổi, có hệ thống miễn dịch suy yếu đủ điều kiện để tiêm liều thứ 5.

Cả FDA và Trung tâm Kiểm soát, Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra quyết định này mà không cần tổ chức cuộc họp với Ủy ban Tư vấn Vaccine, động thái hiếm thấy trong thời kỳ đầu đại dịch. Thông báo của hai cơ quan được đưa ra 14 ngày sau khi Israel phê duyệt tiêm liều vaccine thứ 4.

Tháng 3, các chuyên gia Mỹ đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của liều vaccine thứ 4. Tuy nhiên, đến tháng 5, khi các biến chủng BA.4 và BA.5 xuất hiện, nhiều người cho rằng liều bổ sung khá cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Đến nay, Anh chưa phê duyệt liều thứ 4 vaccine Covid-19. Tuy nhiên, chính phủ nước này có kế hoạch mở rộng chương trình tiêm chủng trong mùa thu. Theo hướng dẫn tạm thời được ban hành vào tháng 5, chỉ người làm việc tại cơ sở chăm sóc sức khỏe, người từ 65 tuổi trở lên, nhân viên y tế tuyến đầu và người có bệnh nền về miễn dịch đủ điều kiện tiêm liều 4.

Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã yêu cầu giới chức "sẵn sàng để tiêm chủng cho cả người 50 tuổi trở lên". Ông cho rằng các cơ quan nên sẵn sàng cho trường hợp này.

Nhận xét của ông được đưa ra khi các dòng phụ của biến chủng Omicron càn quét khắp châu Âu, số ca nhiễm và nhập viện đều gia tăng. Một số chuyên gia khuyến cáo ông Javid triển khai tiêm chủng cho tất cả người lớn trong mùa thu và mùa đông, theo từng giai đoạn, tùy vào độ tuổi và các yếu tố nguy cơ.

Ông Javid nói rằng dù chưa có quyết định chính thức về loại vaccine được sử dụng, nhiều khả năng chiến dịch sẽ được mở rộng cho tất cả người lớn.

Các nước tiêm liều thứ 4 vaccine Covid-19 thế nào-1

Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại Arena Nord ở Frederikshavn, Jutland, Đan Mạch. Ảnh: AFP

Đan Mạch là quốc gia mới nhất tại châu Âu có kế hoạch tiêm chủng liều thứ 4 cho tất cả người trên 50 tuổi. Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết đây là chiến lược hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ban đầu, nước này chỉ định cung cấp liều tăng cường thứ hai cho người đặc biệt dễ tổn thương. Tuy nhiên, số ca nhiễm BA.5 vẫn gia tăng. Biến chủng lây lan nhanh hơn các phiên bản trước đây, thống trị khắp các quốc gia Bắc Âu.

Hàng nghìn người sẽ đến Đan Mạch vào tuần này để xem giải đua Tour de France, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn.

Các nước thành viên là Hungary, Đan Mạch và Thụy Điển đã quyết định triển khai liều thứ 4 trước khi EU khuyến nghị do lo ngại về tình trạng miễn dịch suy giảm. Hôm 21/1, cơ quan y tế Thụy Điển cho biết người bị ức chế miễn dịch nên tiêm liều thứ 4 trong ba đến 4 tháng sau liều thứ ba. Đan Mạch sẽ tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất. Người dân Hungary có thể tiêm liều thứ 4 nếu có chỉ dẫn của bác sĩ.

Sau khoảng thời gian dài cân nhắc, các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã lần lượt tiêm liều 4 cho người dân. Chính phủ không có chính sách bắt buộc, người dân tự nguyện tiêm chủng nếu đủ điều kiện và có nhu cầu.

Singapore tiêm liều tăng cường thứ hai cho người từ 80 tuổi trở lên kể từ tháng 8. Ngoài ra, người sống và làm việc trong các cơ sở dưỡng lão, người có bệnh nền về miễn dịch hoặc bệnh mạn tính cũng đủ điều kiện tiêm chủng.

Quyết định đưa ra sau khi hàng loạt nghiên cứu cho thấy tác dụng của liều thứ ba sẽ suy giảm khả năng bảo vệ sau một thời gian.

Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu cung cấp miễn phí liều 4 vaccine Pfizer hoặc Moderna kể từ ngày 25/5. Đối tượng ưu tiên tiêm liều 4 là người từ 60 tuổi trở lên, người 18 tuổi có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chỉ số khối cơ thể (BMI) hơn 30, người được bác sĩ chỉ định là có nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm virus. Liều thứ 4 sẽ tiêm sau liều ba ít nhất 5 tháng.

Các điều kiện y tế cơ bản để nhận liều thứ 4 là mắc bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, thận, gan; mắc bệnh tiểu đường và đang điều trị bằng insulin;...

Theo các nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Soroka, Đại học Tel Aviv, liều vaccine thứ 4 có hiệu quả 34% chống nhiễm bệnh, 64-67% ngăn ngừa nhập viện. Hiệu quả phòng tránh tử vong là 72%. Các chuyên gia nhận định liều thứ 4 cứu sống nhiều người, giảm nhu cầu nhập viện cấp tính, tuy nhiên, độ bảo vệ trước Omicron khá khiêm tốn.

Thục Linh (Theo Reuters, CNBC )