Người mắc bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, ít calo. Dưới đây là các loại quả giúp bệnh nhân tiểu đường thanh nhiệt cơ thể, cải thiện sức khỏe.
Đu đủ
Loại quả này có vị ngọt tự nhiên, mát, phù hợp cho người bệnh tiểu đường. Chỉ số GI của đu đủ là 60, có thể không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh. Trái cây có GI thấp từ 20-49, GI ở mức độ trung bình từ 50-69. Thực phẩm, trái cây có GI cao từ 70-100.
Dưa chuột
Dưa chuột có ít carbohydrate, calo, không chứa tinh bột, nhiều chất dinh dưỡng. Hiệp hội tiểu đường Mỹ (ADA) xem đây là loại thực phẩm giúp người bệnh thỏa mãn cơn thèm ăn, lựa chọn tốt cho người có đường huyết cao. Ăn dưa chuột có thể giúp hạ đường huyết, góp phần kiểm soát lượng đường của cơ thể. Dưa chuột chứa nhiều chất chống oxy hóa, phòng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch.
Dưa chuột giàu khoáng chất kali giúp hệ thần kinh, các tế bào giao tiếp, cơ bắp và thận hoạt động tốt hơn. Nếu thiếu kali, người bệnh có thể gặp vấn đề về huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim mạch.
Dưa chuột tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Freepik
Bưởi
Đây là loại trái cây họ cam, quýt có nhiều vitamin, khoáng chất như vitamin C, A, B6, kali, magie. Chất chống oxy hóa trong bưởi có thể giúp hệ miễn dịch cơ thể phòng cảm lạnh, bệnh do virus gây ra.
Một quả bưởi chỉ có 100 calo, 25 carbohydrate và hơn 4g chất xơ. Nó là món ăn nhẹ phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Bưởi có chỉ số đường huyết thấp nên không làm tăng lượng đường trong máu. Bên cạnh tác dụng hữu ích cho người mắc căn bệnh này, bưởi có thể giúp giảm cân, hỗ trợ phòng nguy cơ đột quỵ và phòng ung thư.
Trái bưởi có nhiều vitamin, chất chống oxy hóa. Ảnh: Freepik
Cam
Cam có nhiều chất xơ, vitamin C, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Chất xơ có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết, rút ngắn thời gian thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Chất chống oxy hóa flavonoid trong loại quả này có thể giúp người bệnh chống viêm, giảm căng thẳng. Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyên người mắc bệnh này nên bổ sung các loại trái cây họ cam, quýt vào chế độ ăn hàng ngày.
Dứa
Người bệnh tiểu đường không cần kiêng ăn dứa. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể bổ sung dứa tươi làm hoa quả tráng miệng. Với dứa sấy khô, mỗi người cần cân nhắc trước khi ăn vì nó có thể chứa nhiều đường. Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, người bệnh cần ăn nhiều loại thực phẩm tươi, nhiều trái cây , trong đó có dứa. Nếu thấy rằng dứa ảnh hưởng tới đường huyết , bệnh nhân có thể cân nhắc ăn dứa với khẩu phần nhỏ hơn bình thường.
Người bệnh tiểu đường có thể bổ sung dứa trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Freepik
Chanh
Người mắc tiểu đường type 2 có thể uống nước chanh. Trong loại quả này có nhiều thành phần dinh dưỡng. Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, chanh chứa nhiều chất xơ hòa tan, vitamin C, chỉ số đường huyết (GI) thấp giúp kiểm soát đường huyết, mức insulin sau khi ăn. Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giảm lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường . Chất xơ hòa tan cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ bệnh tim, hạ huyết áp, kiểm soát cholesterol, giảm cân.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giảm tác hại của các gốc tự do làm hỏng các tế bào và màng trong cơ thể. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường có lượng vitamin C thấp do vitamin này sản xuất collagen, bảo vệ thành động mạch. Trước khi dùng chanh, người bệnh cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ. Trường hợp thường xuyên bị trào ngược axit dạ dày, ợ chua, ăn chanh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nếu răng nhạy cảm, bệnh nhân không nên ăn nhiều thực phẩm có chanh.
Minh Thúy
(Theo
WebMD, Healthline, Very Well Health, Diabetes Strong
)