Mới đây tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Bộ Y tế tổ chức, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã chia sẻ câu chuyện nhức nhối xảy ra tại chính bệnh viện ông đang làm lãnh đạo.
Bác sĩ phải dùng dao mổ rạch 3 lần mới đứt da
Cụ thể, TS.BS Thức đã nhận ý kiến bức xúc từ Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện, chất vấn ông tại sao mua dao mổ giá rẻ . "Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch một đường. Hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt" - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kể lại và cho biết, đây là hậu quả của việc phải tuân theo quy định mua sắm với "giá thấp nhất" theo luật đấu thầu.
TS.BS Nguyễn Tri Thức (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy).
Thông tin trên khiến dư luận xôn xao. Câu hỏi đặt ra là nếu sử dụng loại dao mổ như trên, tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân sẽ ra sao?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, chuyên khoa Sản, Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM cho biết, không riêng gì dao mổ, chuyện các dụng cụ y khoa "cùn", "lụt"... không phải là vấn đề mới. Thậm chí nhiều năm trước đây khi ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, găng tay cũng được hấp lại để tái sử dụng lại, hoặc kéo phải đi mài để có thể dùng trong phẫu thuật.
"Có lần tôi cũng gặp như vậy và được lý giải: do dao mổ mở ra để nãy giờ bị oxy hóa" - TS.BS Trung dẫn chứng câu chuyện chính mình đã trải qua.
Theo thời gian, các bệnh viện luôn tìm cách thay đổi và cập nhật quy trình, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu an toàn cho người bệnh. Dù vậy, người dân chỉ có thể thấy sự "hoành tráng" của bộ mặt bệnh viện. Còn việc có được an toàn hay không, những thông số như dao có mổ được không, đèn mổ có đủ sáng không, dụng cụ có đầy đủ không… chỉ có phẫu thuật viên mới biết được.
Bác sĩ Trung nhận định, do ảnh hưởng của cơ chế đấu thầu hiện nay, thỉnh thoảng các bệnh viện công lập có thể gặp phải tình trạng khó khăn trong cung ứng dụng cụ phẫu thuật, cụ thể là dao mổ. Thậm chí, còn có tình trạng lưỡi dao mổ không phù hợp với cán dao, do hết mà không mua được.
"Các bác sĩ thường có cách xoay xở và rạch da được hết. Tuy nhiên, rạch da chỉ là bước đầu tiên của bất kỳ ca mổ nào" - bác sĩ Trung nói.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung (bìa phải) trong một ca phẫu thuật (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Một bác sĩ có nhiều năm hành nghề trong lĩnh vực phẫu thuật điều trị vết thương, thẩm mỹ tại hệ thống y tế công lập chia sẻ, trên thị trường có nhiều loại dao mổ với giá cả khác nhau.
Trong đó, dao mổ nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức rất "bén", đáp ứng được yêu cầu "rạch da 1 lần đứt", nhưng giá cao. Còn dao mổ nhập từ Pakistan, Ấn Độ giá chỉ bằng 1/6 dao mổ châu Âu, nhưng phải rạch nhiều lần. Nếu tuân thủ yêu thủ quy định về giá của luật đấu thầu, các bệnh viện buộc phải chọn mua loại dao mổ "cùn" hơn.
Bệnh nhân sẽ gánh hậu quả gì?
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California (Hoa Kỳ) chia sẻ, dao mổ (scalpel) là một dụng cụ y tế được thiết kế để bác sĩ phẫu thuật chỉ cần sử dụng lực vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô. Những đường rạch "ngọt" sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm, sưng sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa, thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ.
Trái lại, việc sử dụng dao mổ "cùn" sẽ buộc phẫu thuật viên sử dụng lực nhiều hơn. Một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng sưng sau khi mổ và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó.
Do vậy, việc có dao mổ đúng chất lượng là điều cơ bản và rất cần thiết. Điều này không những giúp giảm bớt stress cho bác sĩ mà còn giúp an toàn cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế.
Việc sử dụng dao mổ đúng chất lượng là điều cơ bản và rất cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn cho bệnh nhân (Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp).
Từ câu chuyện dao mổ, TS Vũ cho rằng việc chọn các vật tư y tế khác như kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ… cũng rất quan trọng. Đồng tình với Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TS Vũ kiến nghị giá mua sắm không nên là "giá thấp nhất" mà cần quy định rõ là giá "hợp lý nhất", dựa trên nhu cầu điều trị thực tế.
"Người chấm thầu vật tư y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như sau: Thứ nhất là an toàn, thứ hai là chất lượng, thứ ba là giá cả. Không thể để giá cả thành thứ tự ưu tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người" - TS Vũ nêu quan điểm.
Giám đốc một bệnh viện đa khoa hạng nhất tại TPHCM khẳng định với phóng viên, đến nay ông chưa nghe các khoa cấp dưới phản ánh về tình trạng dao mổ kém chất lượng. Dù vậy, khi một cuộc mổ diễn ra, bản thân y bác sĩ luôn muốn đạt sự tối ưu nhất về thời gian, chất lượng.
"Nếu là dao dùng để cắt đồ ăn, cắt thịt, chậm một chút, xấu một chút không sao. Nhưng đây là để cứu người, không thể chờ đợi được. Dao mổ không sắc thì đương nhiên không thể đảm bảo tốt nhất" - vị này dẫn chứng.
Lãnh đạo bệnh viện trên tâm tư, nếu cứ ràng buộc việc mua sắm theo quy định chọn giá rẻ nhất thì sẽ tạo điều kiện cho trang thiết bị kém chất lượng trúng thầu, dẫn đến việc người bệnh mất quyền lợi.
Do đó, cần sớm có hành lang pháp lý hỗ trợ các đơn vị mua thiết bị, vật tư tiêu hao đảm bảo về chất lượng.