Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) là người đầu tiên đi dọc đất nước bằng xe máy, tổng cộng gần 7.000 km trong đó có 3.260 km bờ biển từ Bắc chí Nam để ghi lại tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm khắp Việt Nam. Năm 2019, anh được Bộ Tài Nguyên và Môi trường trao tặng danh hiệu “Đại sứ đại dương xanh”. Anh là người sáng lập và Giám đốc Học viện Nhiếp ảnh Ánh sáng. Anh từng quản trị diễn đàn nhiếp ảnh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam, là giám khảo nhiều cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế.
Trong vai trò một giảng viên nhiếp ảnh, khi cùng các học viên đi thực địa, điều đầu tiên mà Nguyễn Việt muốn học viên nhận thức chính là hướng đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa, môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương ở nơi đó, bằng các hành động cụ thể. Dự án “Bàn chân xanh” ra đời như vậy, với mục đích là truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường trên đường leo núi. Hùng mong muốn ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao không chỉ ở trong những học viên nhiếp ảnh mà cả những người đi du lịch, những người làm dịch vụ du lịch và từng người dân miền núi.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng
Trong quá trình đi các nơi chụp ảnh, Hùng thấy đất nước mình vô cùng đẹp nhưng nhiều nơi lại không sạch. Rác thải nhiều, gây ảnh hưởng xấu không những đến hình ảnh của du lịch mà còn đến sức khỏe của mọi người. Và cũng thật xót xa nếu ở những đỉnh núi cao nhất Việt Nam lại có những bãi rác cao nhất! Ngày 02/10/2020, nhóm học viên nhiếp ảnh của Nguyễn Việt Hùng trong chuyến đi thực tế đã mang thùng rác lên lán 2.400 m ở núi Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Một năm sau đó, việc này được anh chính thức kêu gọi và là một hoạt động thường xuyên của các nhóm du lịch chụp ảnh do Hùng tổ chức. Nhóm mua thùng rác, mang lên tặng các chủ dịch vụ lán ngủ trên núi, làm các tấm biển và tổ chức cắm biển trên đường leo núi, dã ngoại hoặc các điểm du lịch, với các câu khẩu hiệu thông thường về bảo vệ môi trường, hoặc các câu nói hài hước, theo “trend” để gây tò mò, thu hút du khách chụp ảnh check-in. Phía dưới các biển luôn là hashtag truyền thông về bảo vệ môi trường như: #LeoNúiKhôngXảRác.
Vận chuyển thùng rác lên núi Lảo Thẩn- Lào Cai
Việc khách du lịch xả rác ở trên núi là một thực tế bấy lâu nay, do bản thân những người đi leo núi khi mệt, thường không mang theo rác xuống núi, mà nhiều khi trên núi lại không có những điểm thu gom rác.
Khi các thùng rác được mang lên núi tặng, người chủ lán có thể xử lý được rác, ít nhất là bằng cách đốt rác, cũng bớt gây ô nhiễm ra môi trường. Rác thải nhựa được phân loại để thu gom, tránh bị lọt xuống sông xuống suối và lại chảy về xuôi. Thùng rác được mua nhiều màu, cho bắt mắt, mọi người dễ nhận ra.
Các biển gắn ở ven đường được viết theo lối hài hước để mọi người thấy thích thú mà chụp ảnh cùng nó, chứ không phải những thông điệp khô cứng, nhàm chán. Kinh phí cho việc này do Học viện nhiếp ảnh Ánh sáng tài trợ và kêu gọi thêm các bạn đồng hành đóng góp trong các cái buổi dã ngoại.
Những biến cắm trên đường thường là các câu nói vui, theo "trend", kèm hashtag có ý nghĩa
Điều quan trọng mà “Bàn chân xanh” hướng tới là nâng cao được ý thức của chính những người đang làm du lịch ở địa phương. Họ cần hiểu để bảo vệ chính mảnh đất quê hương họ, chính là bảo vệ sinh kế lâu dài và bền vững, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ. Nếu môi trường sạch sẽ, nơi ăn ở sạch sẽ, khách sẽ đến nhiều hơn, sẽ quay lại nhiều hơn. Việc được tặng thùng rác sẽ là lý do ban đầu để họ quan tâm đến giữ vệ sinh môi trường. “Mưa dầm thấm lâu”, bằng cách thuyết phục từng chủ lán, từng người khuân vác một, thông điệp bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người.
Thiên nhiên chính là nơi ta trở về!
Nguyễn Việt Hùng cho biết, những gì mà “Bàn chân xanh” đang làm coi như là bước khởi đầu, dần dần nâng cao ý thức không xả rác bừa bãi khi leo núi; sau này tiến tới phân loại rác thải đặc biệt (ví dụ rác độc hại như pin, linh kiện điện tử...) và mang rác xuống núi./.