Trang Chủ > Sức khỏe > Biến thể phụ nào của Omicron đang phổ biến ở Việt Nam?

Biến thể phụ nào của Omicron đang phổ biến ở Việt Nam?

Lao Động
15/07/2022 07:04:34
Biến thể phụ nào của Omicron đang phổ biến ở Việt Nam?-1

Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhóm từ 18 tuổi trở lên

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.612.946 mũi tiêm (69,6%), trong ngày có 32 tỉnh triển khai với 58.878 người được tiêm:

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,6%); Quảng Nam (45,4%); Bình Thuận (48,2%); Đồng Nai (44,6%); Hậu Giang (36,7%).

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (94,4%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 6.049.410 mũi tiêm (30,0%), trong ngày có 34 tỉnh triển khai với 246.356 người được tiêm.

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Bắc Cạn (3,7%); Quảng Bình (3,8%); Bình Định (5,9%); Phú Yên (3,2%); Đồng Nai (7,8%).

Tỉnh có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Phú Thọ (78,5%); Quảng Ninh (74,7%); Khánh Hòa (72,3%)

Nhóm từ 12-17 tuổi

Ghi nhận 8.666.634 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,0%; Tiêm nhắc: 1.347.236 trẻ (15,4%).

Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp dưới 10% gồm:

Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Hưng Yên; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Sơn La; Điện Biên.

Miền Trung (4 tỉnh): Đà Nẵng; Quảng Nam; Phú Yên; Bình Thuận

Miền Nam (8 tỉnh): TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Đồng Tháp; Bình Dương.

Kết quả tiêm nhắc tốt có các tỉnh Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (51,9%); Lâm Đồng (49,0%); Cà Mau (47,9%).

Biến thể phụ nào của Omicron đang phổ biến?

Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, qua theo dõi trong thời gian vừa qua, xu hướng dịch COVID-19 trên toàn quốc nhìn chung vẫn giảm, thời gian qua có chững lại ở khoảng 600 – 700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỉ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.

Tuy nhiên, trong khoảng vài ngày trở lại đây, số ca COVID-19 ở nước ta có sự biến động tăng, đặc biệt trong ngày 13.7 đã vượt mốc 1.000 ca. Đây là con số cao nhất trong 40 ngày qua. Số bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở oxy ở nước ta cũng liên tục biến động, khoảng từ 20-30 trường hợp trong những ngày gần đây.

Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron trong cộng đồng. Đây đều là những biến thể lây lan nhanh và có khả năng "né" miễn dịch. Nghĩa là những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng ở nước ta. Đây cũng là biến thể xuất hiện từ đầu năm nay tại Việt Nam.

Tốc độ gia tăng số mắc hằng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.

Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước Châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.