Sau hàng loạt công văn của các bộ ngành thì việc thanh toán BHYT đối với dịch vụ sử dụng máy đặt, máy mượn từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đang khiến nhiều bệnh viện lúng túng.
Nhiều hệ thống máy xét nghiệm tại bệnh viện Việt Đức là máy đặt, máy mượn từ công ty trúng thầu hóa chất
Những ngày qua nhiều cơ sở y tế cũng như người bệnh lo lắng khi Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh không thực hiện máy mượn hoặc cho phép máy đặt trong bệnh viện nhằm tránh tình trạng phụ thuộc vào đơn vị cho mượn máy, đặt máy.
Ngoài ra, tại công văn này, Bộ Tài chính cũng cho rằng việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện đang thực hiện theo điều 32 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và chương V, VI của nghị định số 146 năm 2018. Trong các văn bản này không có quy định các nội dung liên quan việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị trúng thầu, vật tư.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin ý kiến hướng dẫn sau khi có công văn của Bộ Tài chính. Bộ Y tế đã có báo cáo lên Chính phủ, sắp tới liên ngành sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để giải quyết sớm nhất vấn đề vướng mắc, để đảm bảo quyền lợi cho người dân có thẻ BHYT.
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết đang dự thảo báo cáo gửi Chính phủ, báo cáo về tình hình sử dụng máy mượn, máy đặt đặt, đồng thời đề xuất cho phép lộ trình để các bệnh viện có thể mua sắm, đầu tư thuận lợi.
Nói về việc sử dụng máy mượn, máy đặt tại cơ sở y tế công lập, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Việt Đức (Hà Nội cho biết đây là thực trạng chung ở hầu hết các cơ sở y tế công lập. Việc sử dụng máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đã có ít nhất từ trên 5 năm qua.
"Trước đây các bệnh viện công do ngân sách đảm bảo, nhưng từ khi được giao tự chủ một phần thì hầu như các bệnh viện công cũng không có đủ tiền mua máy, nhất là những thế hệ máy mới và nó thay đổi liên tục với giá nhiều tỉ đồng. Như vậy, đầu tư máy móc là cả vấn đề lớn. Trong khi đó hệ thống máy xét nghiệm lại có đặc thù riêng khi phải sử dụng loại hóa chất dành cho chính loại máy ấy (máy đóng) nên không thể dùng máy hãng A mà dùng hóa chất của hãng B"- ông Giang giải thích.
Ông Giang cho biết theo quy định, khi sử dụng máy phải đấu thầu mua hóa chất sử dụng cho máy và mặt hàng nào giá rẻ, đủ các yếu tố kỹ thuật thì mua. Nhưng lại xảy ra tình huống tréo ngoe là nếu có máy A thì hóa chất máy B lại rẻ hơn và trúng thầu. Như vậy, có máy A nhưng hóa chất máy B không sử dụng được... Trong khi đấu thầu hóa chất lại thực hiện theo năm, tối đa là 2 năm và như thế bệnh viện lại phải thay đổi máy để phù hợp với hóa chất trúng thầu. Ngân sách Nhà nước cấp thì không đủ, còn bệnh viện cũng không đủ tiền để mỗi năm lại mua các loại máy trị giá cả chục tỉ đồng.
Lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cũng cho biết theo quy định của Luật Quản lý tài sản công (2017) không có nội dung đề cập đến tình trạng máy mượn, máy đặt. Do đó, Bộ Tài chính nhiều lần có ý kiến hình thức máy mượn, máy đặt không được sử dụng. "Thế nhưng vấn đề quan trọng là, không được sử dụng máy mượn, máy đặt thì sử dụng hình thức nào, hiện chưa thấy cơ quan nào đưa ra. Vì nếu mua máy các cơ sở y tế có thể lại lại rơi vào tình trạng mua máy nhưng đấu thầu hóa chất không phù hợp."- lãnh đạo bệnh viện Việt Đức băn khoăn.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại tại bệnh viện K giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh
Đại diện một số bệnh viện cũng cho biết để giải quyết cho việc này thì thời gian qua các bệnh viện đã đấu thầu hóa chất và bên nào trúng hóa chất thì mang máy đến để bệnh viện sử dụng. "Tất nhiên, không có nhà sản xuất nào tự nhiên đem máy đến cho bệnh viện sử dụng cả. Vì vậy trong giá hóa chất hiện đang bao gồm cả tiền mua máy, khấu hao máy, bảo trì, bảo dưỡng... Từ đó lại nảy sinh tình trạng thuê máy. Theo quy định, cơ sở y tế phải lấy giá thấp nhất khi đấu thầu. Nếu công ty vì tình trạng thuê máy, giảm giá xuống thì với trường hợp khác mượn máy, đặt đặt thì cũng không giảm giá hóa chất. Do đó, dù máy mượn hay máy thuê giá hóa chất cũng như vậy, không rẻ hơn"- một lãnh đạo bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ thêm.
Trước đó, tháng 5 vừa qua, BHXH Việt Nam từng đề nghị các địa phương dừng thanh toán BHYT dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, dựa trên quyết định của Bộ Y tế bãi bỏ công văn liên quan. Do quyền lợi của người bệnh BHYT bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên thời điểm đó ít nhất 5 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng sử dụng máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất mang lại nhiều lợi ích trong xét nghiệm, khám chữa bệnh, tránh lãng phí ngân sách. Sau đó, Bộ Y tế họp với BHXH Việt Nam, thống nhất cho phép các bệnh viện tiếp tục thanh toán cho đến khi hết hợp đồng đã ký kết và có những hướng dẫn phù hợp.
Theo một chuyên gia tài chính y tế, những năm qua hầu hết máy xét nghiệm của nhiều bệnh viện là mượn, đặt từ các đơn vị hợp tác thay vì tự mua sắm. Bởi lẽ chi phí mua máy xét nghiệm rất đắt đỏ nên việc mượn máy mang lại nhiều lợi ích cho bệnh viện cũng như đáp ứng yêu cầu về chẩn đoán, điều trị cho người bệnh với giá tốt nhất.
"Thực tế cho thấy dù quy định không cho, nhưng máy đặt, mượn hiện diện tại trên 90% bệnh viện công lập. Các cơ sở y tế này sử dụng máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất, thay vì tự mua sắm. Như vậy, nếu BHYT ngưng thanh toán ngay các dịch vụ y tế sử dụng máy đặt, mượn thì ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người bệnh, bệnh viện cũng khó khăn vì không có máy cho khám chữa bệnh"- chuyên gia này nhận định.
Quyền lợi của người bệnh BHYT có thể bị ảnh hưởng nếu bệnh viện dừng sử dụng dịch vụ trên máy đặt
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng với việc Bộ Tài chính có văn bản thông báo rõ các quy định hiện hành không cho phép hình thức máy đặt, mượn tại bệnh viện công cho thấy việc đặt, mượn máy thời gian qua là sai và cơ quan quản lý cần có ngay các giải pháp để không ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.
Để giải quyết vướng mắc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành liên quan phải ngồi lại, bàn nhau để sửa luật. Các cơ quan quản lý phải cùng nhau đưa ra phương án giải quyết, để hướng dẫn thực hiện.
Một chuyên gia tài chính cho biết thực tế tồn tại máy đặt, máy mượn là thực tế của cả nước, của các bệnh viện chứ không phải chỉ 1-2 đơn vị. Khi dừng xét nghiệm trên máy đặt, mượn thì đồng nghĩa dừng hoạt động. Hoặc nếu thu tiền của người bệnh thì bệnh nhân thêm nặng gánh. Đơn cử, tại bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm quyết toán BHYT chiếm tới 42% tổng số tiền xét nghiệm, còn tại bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có thẻ BHYT chiếm 13% lượt khám và 86% số người điều trị, còn ở bệnh viện K Trung ương số người bệnh có thẻ BHYT chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị.
Nguồn Tin: