Phát hiện sớm và dự phòng bệnh thận mạn tính
SKĐS - Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể. Hiện nay, số người mắc các bệnh thận mạn tính gia tăng. Tuy nhiên, rất ít người để ý đến dấu hiệu của bệnh để sớm có biện pháp phòng, điều trị.
Bệnh thận mạn nếu được phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ thì việc điều trị sẽ mang lại kết quả tốt, làm chậm sự tiến triển của xơ hóa cầu thận, làm chậm sự tiến triển tới giai đoạn cuối. Chính vì vậy, việc hiểu rõ căn bệnh này là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn bao gồm các giai đoạn của bệnh thận từ giai đoạn sớm khi mức lọc cầu thận chưa giảm, đến giai đoạn cuối của bệnh khi bệnh nhân đòi hỏi các biện pháp điều trị thay thế. Nguyên nhân hay gặp gây ra bệnh thận mạn là các dị dạng thận tiết niệu bao gồm:
- Thận đa nang bao gồm: Van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh...
- Bệnh cầu thận bao gồm: Viêm thận lupus, hội chứng thận hư ...
Theo các nghiên cứu, dị dạng thận tiết niệu là nguyên nhân chính tại các nước phát triển, nhiều nhất là van niệu đạo sau ở trẻ trai. Bệnh thận mạn với nguyên nhân là dị dạng đường tiết niệu thường diễn tiến chậm đến giai đoạn cuối, một số nghiên cứu cho thấy 50 - 65% vẫn được điều trị bảo tồn. Các nhà nghiên cứu cho biết hiện còn ghi nhận nguyên nhân dị dạng đường tiết niệu là do đột biến gen.
Nguyên nhân tiếp theo gây bệnh thận mạn tính ở trẻ là bệnh lý cầu thận . Đây là nhóm nguyên nhân chiếm khoảng ¼ các nguyên nhân của bệnh thận mạn tính ở trẻ em.
Tần suất giảm dần tại các nước phát triển. Một nghiên cứu cho thấy nguyên nhân bệnh thận mạn tính do bệnh cầu thận chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân được khảo sát. Khoảng 30% số trẻ mắc bệnh thận mạn tính là do nguyên nhân cầu thận. Tại các nước đang phát triển, nguyên nhân bệnh thận mạn tính do cầu thận vẫn còn cao, có thể do tỉ lệ nhiễm Streptococcus.
Bệnh thận mạn tính ở trẻ em ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như sự phát triển.
Bệnh thận mạn tính do bệnh thận di truyền
Tại các nước đang phát triển, nhóm bệnh này chiếm ¼ các nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính ở trẻ em. Nhiều nhất là bệnh thận di truyền , tổn thương ống thận kẽ mạn tính, xảy ra lúc 4 - 5 tuổi, có rối loạn cô đặc nước tiểu, tiểu nhiều và suy thận tiến triển. Ngoài ra, còn có bệnh khác như: Cystinose, hội chứng Alport, bệnh Oxalose…
Dấu hiệu nhận biết bệnh thận mạn tính ở trẻ
Tùy từng trẻ có những biểu hiện khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có các biểu hiện lười ăn , nôn và chậm phát triển thể chất. Đối với trẻ lớn, triệu chứng có thể tiềm ẩn hoặc biểu hiện với triệu chứng của bệnh nền.
Trẻ có thể có các biểu hiện xanh xao, thiếu máu , cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa .
Uống nhiều, tiểu nhiều, chậm dậy thì. Tràn dịch màng tim, co giật (khi urê tăng cao), ngứa (do tăng Phosphore). Loạn dưỡng xương, còi xương
Các yếu tố gây rối loạn tăng trưởng trong bệnh thận mạn ở trẻ là do thiếu cung cấp dinh dưỡng, năng lượng hoặc chất đạm. Thiếu nước mạn tính, thiếu Na, Kali, loạn dưỡng xương, tăng huyết áp ….
Các yếu tố dẫn đến tiến triển của bệnh thận mạn bao gồm: Yếu tố di truyền như: Thận của trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500g), trẻ sinh thiếu tháng, thận của trẻ có mẹ bị bệnh hoặc dùng thuốc độc thận trong thai kỳ sẽ nhạy cảm với tổn thương hơn trẻ khác.
Và nhóm các yếu tố khác như mức độ bệnh thận căn nguyên từ các bệnh nền gồm: Bệnh cầu thận có tiến triển suy thận nhanh hơn tăng huyết áp, bệnh ống thận mô kẽ. Mức độ tổn thương ống thận mô kẽ trên sinh thiết thận càng nhiều thì suy thận càng nhanh…
Bệnh thận mạn nếu được phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ thì việc điều trị sẽ mang lại kết quả tốt.
Bệnh thận mạn tính ở trẻ cần làm gì?
Sau khi chẩn đoán bệnh tùy từng giai đoạn, từng cá nhân, các bác sĩ chỉ định phù hợp. Tuy nhiên, điều trị cụ thể nguyên tắc chung: Đảm bảo đầy đủ năng lượng, hạn chế Protein. Chế độ ăn giàu canxi, ít Phosphate.
Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, nếu suy thận chưa đến giai đoạn cuối thì hạn chế muối nước hiếm khi cần thiết. Hạn chế muối nước khi bệnh nhân có phù, cao huyết áp, suy tim .
Có thể dùng lợi tiểu nếu không đáp ứng với hạn chế muối. Nếu giảm Natri do mất qua đường tiểu sẽ bù Natri theo nhu cầu và theo dõi sát cân nặng, huyết áp, phù và lượng Natri bài tiết qua nước tiểu.
Thường không cần điều chỉnh Kali nhiều. Hạn chế Phosphat trong chế độ ăn và dùng thuốc giảm Phosphate sau các bữa ăn. Nếu canxi còn giảm mặc dù Phosphate bình thường sẽ bổ sung canxi. Quan trọng bệnh nhân cần tái khám định kỳ mỗi 2 tuần - 1 tháng, hay khi có biến chứng nặng. Theo dõi: Chiều cao, cân nặng, huyết áp, công thức máu, ure, creatinine, điện giải đồ, khí máu, nước tiểu .
Do bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối, nên mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở 3 đối tượng nguy cơ cao là người bệnh đái tháo đường , tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm, tránh để bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.
Tóm lại: Bệnh thận mạn tính ở trẻ em ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như sự phát triển. Khi bệnh nhân đã diễn tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối, việc điều trị sẽ tốn kém và khó khăn, sau cùng là ghép thận .
Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Cần cho trẻ có cuộc sống bình thường. Tùy mức độ nặng của bệnh thận mạn, bệnh nhân có thể được theo dõi tái khám ngoại trú. Không nên cấm vận động thể lực, ngoại trừ khi có tăng huyết áp.
Tham khảo thêm
Phòng ngừa sớm bệnh thận mạn tính
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-