Trang Chủ > Sức khỏe > Bệnh nhân xếp hàng dài chờ thuốc, TP.HCM định hướng lại mô hình quản lý

Bệnh nhân xếp hàng dài chờ thuốc, TP.HCM định hướng lại mô hình quản lý

Tuổi Trẻ
16/09/2022 08:04:06

TTO - Để hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cơ sở trong quản lý bệnh không lây nhiễm, Sở Y tế TP.HCM và đại diện WHO tại Việt Nam đã có hai cuộc họp thảo luận. Sắp tới, hai bên sẽ có các buổi họp bàn kế hoạch chi tiết việc tập huấn nâng cao năng lực này.

  • Trạm y tế chỉ 7-8 lượt khám/ngày, không biết phường có bao nhiêu người cao huyết áp
  • Ít thuốc ở trạm y tế, giải quyết sao?
  • 'Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc'

Cùng dự với đại diện WHO tại Việt Nam trong buổi khảo sát thực địa và cuộc họp thảo luận hai ngày 13 và 14-9, trao đổi với

Tuổi Trẻ Online

chiều 15-9 phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguyễn Văn Vĩnh Châu

cho hay trong kế hoạch nâng cao năng lực y tế cơ sở tại TP, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là vấn đề ngành y tế rất quan tâm.

Trong đó việc tích hợp chăm sóc, quản lý những bệnh không lây nhiễm với chương trình của WHO PEN (dùng gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới) là một trong những vấn đề mà Sở Y tế mong muốn triển khai, tập huấn và áp dụng tại các trạm y tế trên địa bàn TP.

Trong thời gian tới, Sở Y tế và WHO tại Việt Nam tiếp tục sẽ có các buổi họp bàn kế hoạch chi tiết việc tập huấn nâng cao năng lực này.

Ông Châu cho biết hiện còn rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm mỗi tháng phải đi đến bệnh viện tuyến trên xếp hàng, chờ đợi để lấy thuốc, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh ổn định.

Do đó ngành y tế đang định hướng lại mô hình quản lý, điều trị những bệnh nhân này bằng cách chuyển họ về y tế cơ sở quản lý. Khi bệnh nhân chuyển nặng hoặc sau 6 tháng thì mới đến bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, để trạm y tế nâng cao khả năng phát hiện sớm cũng như theo dõi, điều trị các bệnh lý không lây nhiễm ổn định, ngành y tế chuẩn bị huấn luyện kỹ năng cho nhân viên y tế tại các trạm y tế, bên cạnh xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

"Nếu các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây ổn định có thể được theo dõi và nhận thuốc điều trị BHYT tại trạm y tế thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, thay vì phải đi đến các bệnh viện lớn của TP hàng tháng. Đồng thời việc này cũng góp phần giảm tải tuyến trên", ông Châu chia sẻ.

Trong buổi thảo luận ngày 14-9, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng chương trình của WHO PEN rất thiết thực và ngành y tế muốn triển khai trong thời gian tới để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.

Người đứng đầu ngành y tế TP cho hay hệ thống y tế thành phố bị ảnh hưởng rất nhiều sau đại dịch COVID-19 vừa qua. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành là củng cố y tế cơ sở, đặc biệt là quản lý, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm cộng đồng. Đây là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế triển khai cho các tỉnh, thành.

Tại TP.HCM, lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, dành nguồn lực để củng cố y tế cơ sở sau dịch COVID-19. Những năm qua, ngành y tế tiếp tục nhận được nguồn ngân sách TP cấp, để cải tạo, nâng cấp trạm y tế. Tính đến nay có 43 trạm y tế đã được nâng cấp, cải tạo. Mới đây có 146 trạm y tế đã nhận được kinh phí của Chính phủ.

"Đây là những yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực, song đó chúng tôi tìm chương trình để đào tạo, huấn luyện cho nhân viên y tế tại trạm y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, trong đó có chương trình WHO PEN", ông Thượng nói.

XUÂN MAI