Đợt bùng phát bại liệt sau hàng thập kỷ vắng bóng ở Anh, Mỹ và Israel có thể là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ hiếm gặp của vắc-xin sống giảm độc lực: Virus suy yếu nhưng vẫn có thể đột biến thành dạng nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Theo
Medical Xpress,
những đợt bùng phát như những gì vừa xảy ra ở Anh, Mỹ và Israel là một nguy cơ hiếm gặp nhưng đã được dựu báo trước của việc dùng vắc-xin bại liệt đường uống.
Theo các chuyên gia, việc thay thế nó bằng vắc-xin dạng tiêm; hoặc một loại vắc-xin đường uống an toàn hơn mà Tổ chức Y tế thế giới đang triển khai, có lẽ là điều cấp bách hơn chúng ta nghĩ.
Hiện nay có 2 loại vắc-xin ngừa bại liệt phổ biến trên thế giới. Thứ nhất là vắc-xin sống giảm độc lực (OPV), dùng đường uống. Vắc-xin này rất rẻ và dễ sử dụng nhưng có một rủi ro: virus trong vắc-xin này có thể theo phân của người vừa uống vắc-xin thải ra môi trường. Thứ hai là vắc-xin dạng tiêm (IPV), chứa virus bất hoạt, tức virus đã vô hiệu hóa hoàn toàn.
Virus trong vắc-xin OPV đã được làm cho suy yếu hơn rất nhiều so với vắc-xin hoang dã, nhưng vẫn có một khả năng nhỏ nó gây bùng dịch. Các phân tích di truyền cho thấy virus ở 3 quốc gia nói trên đều "có nguồn gốc vắc-xin", có nghĩa nó là phiên bản đột biến của virus bị giảm độc lực rơi ra từ vắc-xin.
Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy từ năm 2017 đến nay toàn cầu có 396 trẻ em mắc bại liệt do vắc-xin hoang dã gây ra, nhưng có tới 2.900 trẻ bệnh do virus "có nguồn gốc vắc-xin".
Số ca bại liệt do virus nguồn gốc vắc-xin cao nhất vào năm 2020 với 1.100 trường hợp, hầu hết xảy ra ở các nước nghèo. Nhưng nay nó đã hiện diện ở các nước giàu.
Giáo sư Scott Barrett từ Đại học Columbia, chuyên gia về bệnh bại liệt, cho biết ông nghĩ đến đậu mùa khỉ - căn bệnh lưu hành ở các nước châu Phi nhiều năm nhưng không được quan tâm, cho đến một ngày nó thay đổi, đột biến và gây ra dịch bệnh toàn cầu.
Bại liệt thật ra vẫn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) như Covid-19 và đậu mùa khỉ, những đã kéo dài từ năm 2014 đến nay. Hàng nghìn người mắc bại liệt do virus đột biến có nguồn gốc vắc-xin ở các khu vực như Đông Nam châu Phi, Trung Đông nhưng ít được quan tâm, cho đến khi nó hiện diện ở Mỹ và Anh.
Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Tập huấn vắc-xin từ bệnh viện Nhi Đồng Philadenphia - Mỹ nhấn mạnh: "Có lẽ chúng ta không bao giờ vượt qua bệnh bại liệt ở các nước đang phát triển nếu không có OPV. Nhưng cách duy nhất chúng ta loại bỏ bệnh bại liệt là loại bỏ việc sử dụng OPV."
Giám đốc bộ phận bệnh bại liệt của WHO Aidan O’Leary mô tả việc phát hiện ra bệnh bại liệt ở London và New York là "một bất ngờ lớn".
Năm ngoái, WHO và các đối tác đã phát triển một loại vắc-xin bại liệt đường uống mới được chỉnh sửa để virus trong đó yếu hơn nữa, ít có khả năng đột biến thành dạng nguy hiểm. Đây có thể là lời giải cho các quốc gia đang có tình hình xã hội - chính trị bất ổn, khó triển khai tiêm chủng IPV. Tuy nhiên vắc-xin mới này hiện nguồn cung có hạn.
Nguồn Tin: