Trước tình trạng số ca mắc đậu mùa khỉ tiếp tục tăng ở nhiều nơi, CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO sẽ triệu tập các chuyên gia của ủy ban họp khẩn vào ngày 18/7 hoặc sớm hơn nếu cần thiết, dựa trên dữ liệu mới nhất về dịch tễ học và diễn biến của đợt bùng phát để đánh giá lại hiện tại có phải tình trạng y tế khẩn cầu hay không.
Ông Tedros cho biết: "Tôi tiếp tục lo ngại khi bởi quy mô và sự lây lan của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Trên thế giới, hiện có hơn 6.000 trường hợp được ghi nhận ở 58 quốc gia".
Dữ liệu ban đầu về đợt bùng phát cho thấy nam giới đồng tính và lưỡng tính, quan hệ tình dục đồng giới chiếm số lượng lớn trong số các ca được báo cáo. Điều này dẫn tới lo ngại hình thành sự kỳ thị về căn bệnh này và cộng đồng LGBTQ. Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người mang virus đều có thể có nguy cơ mắc bệnh.
Trước đó, ngày 25/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quyết định chưa tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ngay sau đó, động thái này vấp phải nhiều phản đối.
Đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu tiên ở một số nước châu Phi, nhưng những tháng gần đây đã bắt đầu lan ra nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là châu Âu. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương trên da và lây lan khi tiếp xúc gần. WHO đánh giá, tỷ lệ tử vong của bệnh này khoảng 3-6% mặc dù đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào bên ngoài châu Phi. Đa số ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ năm nay là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) là mức cảnh báo cao nhất của WHO, là một tuyên bố chính thức của tổ chức này do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu. Việc WHO xếp một căn bệnh là PHEIC sẽ khuyến khích các quốc gia hợp tác với nhau để tìm biện pháp đối phó, đồng thời cho phép cơ quan này đề xuất những bước để kiểm soát dịch.