Các bệnh viện ở Hà Nội đang ghi nhận nhiều người mắc cúm A đến thăm khám và điều trị. Theo các chuyên gia đây là điều "bất thường", bởi loại cúm này thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân trong khi giờ mới đang là tháng 7.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - bệnh viện đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong vài tuần trở lại đây, tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng "bất thường" so với cùng thời điểm này các năm trước. Trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại Khoa Nhi của bệnh viện này có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ThS.BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp thông tin, thời điểm điểm hiện tại, có những ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cúm A vào viện. Trong khi các năm trước, dịch sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược. Sốt xuất huyết chỉ ghi nhận lác đác vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng. Cũng theo ThS.BS Thu Hường, các bệnh nhân cúm A vào viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, cá biệt có trường hợp viêm phổi, suy hô hấp.
Đồng quan điểm, theo TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mùa hè là thời điểm bệnh cúm mùa ít xuất hiện. Nguyên nhân là bởi thời tiết khô nóng, không thích hợp về nhiệt độ và độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh.
Về nguyên nhân có sự bùng dịch bất thường này, các chuyên gia cho rằng một phần có thể là do thời tiết năm nay khá bất ổn. Vào mùa hè nhưng vừa qua cũng xuất hiện những đợt mưa lạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng rõ ràng để khẳng định nguyên nhân.
ThS.BS Nguyễn Thu Hường cũng bày tỏ sự lo ngại trước dịch chồng dịch do cùng thời điểm có dịch sốt xuất huyết, COVID-19 và cúm A. Theo Ths.BS Hường, thời điểm này năm ngoái, bệnh viện ghi nhận có bệnh nhân mắc cả cúm A và Covid-19. Mặc dù năm nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cả cúm A lẫn COVID-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cúm A cũng như COVID-19 là bệnh lây nhiễm qua hô hấp, bên cạnh đó các ca mắc 2 bệnh này đang có xu hướng tăng, vì vậy cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người như phòng họp, xe buýt…
Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…
Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ, da mắt xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Các bác sĩ khuyến cáo cúm A là bệnh rất dễ lây lan, ai cũng có thể mắc. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm chủ động hàng năm; ăn uống khoa học để có sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.