Trang Chủ > Sức khỏe > Bé trai 6 tuổi có nguy cơ không thể ngồi vào bàn học do vẹo cột sống

Bé trai 6 tuổi có nguy cơ không thể ngồi vào bàn học do vẹo cột sống

Xã Luận
13/07/2022 05:05:46

Để xử lý tạm thời, bé trai này buộc phải đeo nẹp cho cột sống để hạn chế những ảnh hưởng tới sinh hoạt.

Bé trai 6 tuổi có nguy cơ không thể ngồi vào bàn học do vẹo cột sống-1

Mặt trước và sau của bệnh nhi bị vẹo cột sống nghiêm trọng. Ảnh: BVCC.

Mới đây, khoa Ngoại Thần kinh Cột sống, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vừa tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi từ Tây Bắc trong tình trạng đầu vẹo hẳn sang bên trái. bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong hoạt động hàng ngày.

Nguy cơ liệt nếu không can thiệp

Theo thông tin từ gia đình, bé được phát hiện vẹo cột sống từ lúc sinh ra kèm theo bệnh lý tim bẩm sinh. Tuy nhiên, bệnh nhi được phẫu thuật tim từ thời điểm sơ sinh.

Tới năm 2019, gia đình mới đưa con lên khám tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám và được chẩn đoán vẹo cột sống bẩm sinh do bất thường phân đoạn và bất thường hình thành cấu trúc thân cột sống. Tình trạng này khiến toàn bộ cột sống vùng cổ và ngực của bé bị biến dạng, vẹo lệch sang bên trái.

Do đang trong quá trình tiến triển của đường cong, bệnh nhi được chỉ định theo dõi sự biến dạng thông qua chụp X-quang mỗi 6 tháng, qua đó bắt được giai đoạn tăng trưởng bất thường và chỉ định can thiệp phẫu thuật.

Các bác sĩ nhận định nếu không can thiệp, đường cong sẽ tiếp tục tiến triển, gây biến dạng cột sống cổ ngực nặng nề. Qua thời gian, bệnh nhi có thể bị gù cột sống, nguy cơ chèn ép tủy, gây yếu tứ chi tăng dần, thậm chí liệt.

Tuy nhiên, do chủ quan, phải tới gần đây, tức 3 năm sau, gia đình mới đưa con đến tái khám.

Bé trai 6 tuổi có nguy cơ không thể ngồi vào bàn học do vẹo cột sống-2

Sự tiến triển vẹo cột sống của bé trai từ năm 2019 (trái) tới năm 2022 (phải). Ảnh:

BVCC

.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Trung Kiên, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhi trên tại khoa Ngoại Thần kinh Cột sống, cho biết: "Nếu bé được khám lại kịp thời, theo dõi chặt chẽ sau mỗi 6 tháng, rất có thể, chúng tôi đã có giải pháp phù hợp hơn".

Hiện nay, bệnh nhi được chỉ định đeo nẹp. Tuy nhiên, bác sĩ Kiên thừa nhận đeo nẹp trong vẹo cột sống bẩm sinh chỉ mang tính chất tạm thời, rất ít hiệu quả.

"Dẫu vậy, nếu không xử lý tạm thời bằng nẹp, bé thậm chí không có khả năng ngồi được vào bàn học", vị chuyên gia nhận định.

Tránh bỏ qua thời điểm vàng

Thông qua trường hợp này, bác sĩ Trần Trung Kiên nhấn mạnh với các phương tiện chẩn đoán tối tân cũng như những kiến thức được phổ cập trong gia đình hiện nay, việc phát hiện biến dạng cột sống không còn quá phức tạp.

Tuy nhiên, qua quá trình tiếp nhận và thăm khám cho bệnh nhân, vị chuyên gia bày tỏ lo ngại việc rất nhiều gia đình đã không chú ý, bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp, khiến con mang tật suốt đời.

"Đối với vẹo cột sống bẩm sinh, từ khi trong bụng mẹ, trong 3 tháng cuối của thai kỳ, dựa trên siêu âm, chúng ta đã có thể phát hiện và đưa ra tiên lượng theo dõi cũng như điều trị", bác sĩ Kiên nói.

Vị chuyên gia cũng thông tin một tỷ lệ bệnh chỉ có thể phát hiện được sau khi sinh hoặc sau mỗi giai đoạn phát triển của trẻ như lẫy, ngồi, đứng, đi… Đây là nhóm biến dạng cột sống cần phải theo dõi rất sát sao bởi tốc độ tiến triển nhanh, nhất là trong những năm đầu, vẹo cột sống chèn ép nặng cơ quan nộ‌i tạn‌g có thể gây t‌ử von‌g.

Đối với vẹo cột sống vô căn, bác sĩ Kiên cho biết do không xác định được căn nguyên, y học định nghĩa là tình trạng này biến dạng cột sống không có căn nguyên, tức không phải do làm nặng, sai tư thế khi ngồi học...

Tương tự vẹo cột sống bẩm sinh, vẹo cột sống vô căn có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm (early-on-set) trước 10 tuổi hoặc, phổ biến hơn, ở lứa tuổi thiếu niên.

Bác sĩ Kiên cho biết vẹo cột sống vô căn chiếm tới 80% các biến dạng cột sống của trẻ em. Vì vậy, việc tầm soát và theo dõi là phương pháp điều trị hiệu quả.

Cụ thể, để phòng ngừa, vị chuyên gia cho rằng cha mẹ cần quan sát con hàng ngày từ đằng sau lưng để loại trừ các dấu hiệu như khoảng cách giữa 2 tay khi buông thõng cách xa thân mình; mất đối xứng giữa 2 vai; một bên khung chậu nhô cao; khi yêu cầu trẻ cúi xuống, 2 tay chạm đất, chúng ta sẽ thấy một bên lồng ngực nhô cao hẳn so với bên còn lại.

Bác sĩ Kiên cho hay đây là những dấu hiệu sơ bộ và đơn giản để phụ huynh có thể tự phát hiện những biến dạng cột sống của con tại nhà. Khi xác định rõ hoặc nghi ngờ, cha mẹ cần đưa con trẻ đến khám chuyên khoa và theo dõi.

Tùy tình trạng sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ có chỉ định tương ứng. Việc chụp X-quang toàn bộ cột sống thường quy thẳng nghiêng là bước cơ bản để chẩn đoán mức độ biến dạng của cột sống.

Vị chuyên gia nói thêm: "Việc chỉ định phẫu thuật thường được áp dụng cho những góc vẹo biến dạng trên 40 độ hoặc góc vẹo tiến triển. Còn lại, chúng ta hoàn toàn có thể theo dõi định kỳ".

Bác sĩ Kiên nhấn mạnh một số ít trường hợp vẹo cột sống có liên quan đến bệnh lý thần kinh cơ hoặc hệ gene, di truyền. Còn lại, vẹo cột sống vô căn không mang yếu tố di truyền. Vì vậy, sau quá trình theo dõi hoặc can thiệp phẫu thuật, trẻ sớm trở về cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Nguồn Tin: