Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, đứng thứ 3 sau các bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa.
Nhiều bệnh nhi nhiễm trùng tiết niệu
Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận bệnh nhi N.H.H.Đ (15 tháng tuổi, Nghệ An) trong tình trạng tiểu máu kèm đau buốt, được bác sĩ chẩn đoán viêm bàng quang, nhiễm khuẩn tiết niệu dưới.
Trường hợp khác là bé N.N.D (4 tháng tuổi, Nghệ An) phải nhập viện vì sốt cao liên tục, nước tiểu đục. Xét nghiệm cho thấy bé có chỉ số viêm rất cao, siêu âm phát hiện dị dạng hệ thống thận tiết niệu.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo, chỉ một tháng gần đây, khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì nhiễm khuẩn tiết niệu.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng từng tiếp nhận bé trai mới 3 tháng tuổi, bị nhiễm trùng tiểu nhiều lần, hẹp đường dẫn nước tiểu bẩm sinh và đã được phẫu thuật sữa chữa.
Sau ca mổ, chức năng thận cải thiện rõ nhưng hơn 1 năm sau bệnh nhi xuất hiện nhiều đợt nhiễm trùng đường tiểu tái phát. Hình ảnh X-quang bàng quang niệu đạo lúc tiểu của trẻ cho thấy có dị tật trào ngược bàng quang niệu quản đi kèm. Nếu không điều trị, chức năng thận của bé trai sẽ bị ảnh hưởng, cuối cùng là suy thận.
TS BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, đứng thứ 3 sau các bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa. Bệnh có xu hướng gia tăng trong mùa hè. Trẻ mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, không loại trừ trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải.
Nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ là do vi khuẩn, đứng đầu là các vi khuẩn đường ruột như E.coli, Enterococcus… Bị nhiễm khuẩn tiết niệu, trẻ thường sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ được sốt ngay. Trẻ chỉ hạ sốt khi đã điều trị kháng sinh đúng chủng loại có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn sau 3 - 5 ngày.
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu
Các thầy thuốc Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay thấy con có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện, cha mẹ cần lưu ý.
Đơn cử, trẻ tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, khi đi phải rặn, có những trẻ rặn è è đỏ cả mặt… là dấu hiệu gợi ý. Trẻ tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục (có khi trẻ đái toàn ra mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường… cũng là biểu hiện cần lưu tâm.
Vì khó chịu, thậm chí đau, nhiều trẻ la hét hoảng hốt khi đi tiểu. Cha mẹ có thể để ý thấy bàn tay của trẻ có mùi khai do trẻ luôn nắm hoặc kéo bộ phận sinh dục khi đi tiểu...
Nhiễm khuẩn tiết niệu có nhiều dạng biến chứng, có thể xuất hiện những biễn chứng toàn thân nguy hiểm như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng gây hoại tử ống thận bể thận.
Bệnh nếu để lâu cũng có thể gây ra thận ứ mủ, viêm quanh thận, viêm kẽ thận, trào ngược bàng quang niệu quản âm thầm gây ra suy thận. Nhiễm khuẩn tiết niệu để lại sẹo thận, nếu không phát hiện điều trị dứt điểm, bệnh sẽ nặng hơn.
Điều trị nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ
Nguyên tắc điều trị là điều trị nhiễm trùng, điều trị dị tật tiết niệu nếu có và điều trị phòng ngừa. Cụ thể lựa chọn kháng sinh: Nhắm tới nhóm vi khuẩn thường gặp là E. Coli và tùy thuộc vào tình hình đề kháng kháng sinh.
Cần nhớ rằng phải luôn thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh dùng thuốc của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ uống kháng sinh liều thấp trong một thời gian dài để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu. Trường hợp này được chỉ định cho những trẻ còn mang bỉm, thường xuyên bị nhiễm trùng tái phát hay dị dạng đường tiết niệu. Tuy nhiên. cần biết rằng trẻ vẫn có thể bị nhiễm trùng tiểu ngay khi đang sử dụng kháng sinh liều thấp dự phòng.
Phòng bệnh nhiễm trùng tiết niệu
Nếu trẻ đã bị nhiễm trùng tiểu một lần sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát sau đó, đặc biệt là bé gái. Sau đây là những hướng dẫn đơn giản giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ: Dạy cho bé gái biết phải rửa từ phía trước ra phía sau sau khi đi vệ sinh. Khuyến khích trẻ uống đầy đủ nước, đi vệ sinh thường xuyên.
Nên nhớ nhiễm trùng tiểu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là bé gái. Uống kháng sinh đầy đủ và lấy nước tiểu xét nghiệm đúng cách rất quan trọng cho việc điều trị thành công. Nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ, sốt cao hay mệt mỏi cần đi khám bác sĩ ngay, theo BS CKI Minh Trí chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống.
Linh Chi