BS-CKI. Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, khi nhắc đến màu sắc của các loại rau củ, thường chúng ta hay nghĩ đến màu xanh, màu cam, vàng hay đỏ. Rau củ sắc tím thường chỉ được dùng để bày trí cho món ăn thêm bắt mắt. Tuy nhiên các loại rau củ mang sắc màu lãng mạn này không chỉ giúp món ăn thêm thẩm mỹ mà còn rất tốt cho sức khỏe.
"Anthocyanidin, hợp chất tạo nên màu tím đặc trưng là một chất chống oxy hóa rất mạnh nên có khả năng ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn tích tụ các độc tố bất lợi, chống lão hóa nhất là lão hóa da. Ngoài ra, chúng cũng giúp tăng lượng máu lên não, tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa đãng trí", bác sĩ Thủy phân tích.
Các chất oxy hóa khác như flavonoid và polyphenol giúp kiểm soát tiểu đường, giảm cholesterol, kháng viêm, tăng cường miễn dịch , cải thiện trí nhớ, tốt cho tim mạch, chống lão hóa và nhiếu tác dụng có lợi khác.
Dưới đây là gợi ý của bác sĩ Thủy về một số loại rau củ màu tím khá quen thuộc cùng với những lợi ích của chúng đối với sức khỏe .
Rau củ màu tím không chỉ đẹp mà còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe shutterstock
Cà tím
Cà tím có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thịt quả cà tím chứa nhiều vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoảng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn. Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.
"Cà tím chứa nhiều kali giúp ổn định nhịp tim, klavonoid có tác dụng giảm lượng LDL-c, tăng HDL-c, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da ngăn ngừa tàn nhang", bác sĩ Thủy chia sẻ.
Lượng nước trong cà tím chiếm 92% đến 94% và rất giàu chất xơ thực vật, cà tím có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa hình thành chất béo trong cơ thể, làm tăng cảm giác no lâu hơn, giảm sự thèm ăn, giúp hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng.
Thịt quả cà tím chứa nhiều các loại vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và các khoáng chất SHUTTERSTOCK
Trong Đông y, cà có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng, thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt chứng, khô đắng miệng, hoặc táo bón. Tuy nhiên người thể trạng hư nhược, các bệnh thuộc hàn chứng, trẻ nhỏ thì nên hạn chế ăn cà tím.
Dù có nhiều lợi ích nhưng lưu ý chỉ nên tầm 200 gram/lần, 2-3 bữa/tuần vì trong cà tím có chứa solanine là một chất vị đắng và có độc với cơ thể.
Bắp cải tím
Bắp cải tím đậm hay tím nhạt thường được đo bằng chỉ số pH vì sự thay đổi màu sắc cũng tùy vào độ pH của đất trồng. Các loại bắp cải nói chung chứa nhiều vitamin A, C và E. Riêng bắp cải tím có lượng vitamin C nhiều gấp đôi và lượng vitamin A gấp 10 lần so với các loại bắp cải xanh.
Vitamin A, C và các chất chống oxy hóa trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương gốc tự do, bảo vệ các tế bào não phòng suy giảm trí nhớ, giúp đẹp dạ, chống lão hóa, ngăn ngừa tàn nhang, giúp da đàn hồi và mềm mại hơn.
Vitamin K trong bắp cải tím giúp xương chắc khỏe hơn, thúc đẩy liền xương cũng như duy trì mật độ canxi trong xương, ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương. Vitamin A còn tốt cho mắt, cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm thiểu nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.
Vitamin K trong bắp cải tím giúp xương chắc khỏe shutterstock
Theo bác sĩ Thủy, sulforaphane có trong bắp cải tím có tác dụng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng của viêm khớp. Bắp cải tím giúp kiểm soát và duy trì cân nặng bởi loại rau này ít calo nhưng nhiều vitamin và khoáng chất, cùng với lượng chất xơ dồi dào, giúp tạo cảm giác no lâu và tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa.
Khoai lang tím
Khoai lang tím giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin C, Ca, Mg, chứa nhiều chất chống oxy hóa. Vỏ khoai chứa nhiều anthocyanin là chất đặc trưng với nhiếu tác dụng có lợi như ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn tích tụ các độc tố bất lợi; chống lão hóa nhất là lão hóa da, tăng lượng máu lên não, tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa đãng trí.
Mặc dù lượng tinh bột trong khoai tây tím làm tăng lượng đường trong máu nhưng mức tăng vẫn thấp hơn so với tinh bột trong khoai lang vàng và trắng.
Có thể ăn khoai luộc, chiên hoặc làm sinh tố. Tuy nhiên nên hạn chế các món chiên rán vì dùng dầu nhiều không tốt cho sức khỏe .
Khoai lang tím giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin C, Ca, Mg, chứa nhiều chất chống oxy hóa shutterstock
Bác sĩ Thủy cho biết, mỗi một sắc màu trong rau củ sẽ đại diện cho một loại vitamin, chất chống oxy hóa hoặc một loại khoáng chất khác nhau, tạo nên giá trị dinh dưỡng riêng. Rau củ màu tím không những đẹp mắt mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà rau xanh không có và ngược lại.
"Cách tốt nhất là ăn uống đủ chất, phù hợp và có điều độ, không nên ăn một loại thực phẩm quá nhiều. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu như bản thân bạn có một số bệnh mạn tính đang điều trị. Ngoài ra, còn rất nhiều những loại thực phẩm tím khác như củ cà rốt tím, súp lơ tím, củ cải đường tím, bắp (ngô) tím… mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cơ thể mà bạn có thể tìm hiểu thêm", bác sĩ khuyến cáo.