Ngày 19/9, bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, tình hình sức khỏe của bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, quê huyện Nghi Lộc) đã ổn định sau 2 tuần điều trị tại khoa, ngày hôm nay (19/9) có thể xuất viện.
Khi trẻ bị bỏng phải sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ (Ảnh minh họa: BV Sản Nhi Nghệ An).
Trước đó, ngày 5/9, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhi H.T.B. trong tình trạng sốt cao, nôn ra máu. Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đó 8 ngày, trong lúc ăn cơm, bé B. bị nồi nước dùng (để ăn phở) đổ vào người, gây bỏng vùng ngực, bụng, 2 tay, 2 đùi và bộ phận sinh dục.
Sau khi sơ cứu bằng nước lạnh, gia đình nghe lời giới thiệu của người quen nên đưa bé đến một thầy lang ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đắp thuốc lá. Tuy nhiên, sau khi đắp thuốc lá, tình trạng bỏng của cháu B. không được cải thiện. Chỗ đắp thuốc sưng tấy, chảy mủ và có mùi hôi, trẻ bị sốt cao, nôn ra máu.
Ê kíp cấp cứu nhận định bệnh nhân bị nhiễm trùng - nhiễm độc do xử lý sai cách trên diện tích bỏng hơn 30% cơ thể. Bệnh nhân được truyền dịch, đạm, truyền máu, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, điều trị xuất huyết tiêu hóa, nâng cao thể trạng... qua 2 tuần được điều trị tích cực, tổn thương do bỏng đã khỏi hoàn toàn, sức khỏe bé ổn định.
Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt (Ảnh: BV Sản Nhi Nghệ An)
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ đầu năm tới nay, đã có gần 100 trường hợp bệnh nhi bị bỏng đến cấp cứu, đa phần nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách.
Bác sĩ Thái Văn Bình khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, bố mẹ không nên thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng đã bị tổn thương nghiêm trọng vì dễ gây nhiễm trùng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.