Ngành Y tế Bạc Liêu đang nỗ lực điều trị các ca bệnh nặng cũng như kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Chị Trần Trúc Linh, ở Khóm 2, Phường 1, thị xã Giá Rai là một trong số những bệnh nhân lớn tuổi mắc sốt xuất huyết có diễn biến nặng đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Chị Linh cho biết, lúc đầu chị không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Nhận thấy các triệu chứng nóng, sốt, nghĩ là bị cảm nên chị đã tự đi mua thuốc về uống. Đến ngày thứ 3, bệnh không thuyên giảm, đồng thời còn thấy mệt hơn, chị đã đi xét nghiệm và được xác định mắc sốt xuất huyết. Sau đó, chị nhập viện và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo số liệu của Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu), từ đầu năm đến nay có trên 500 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị; trong đó, gần 300 ca bệnh là người lớn, hơn 200 ca bệnh là trẻ em.
Bác sĩ Quách Văn Lực, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, trước đây, bệnh sốt xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở trẻ em nhưng lứa tuổi mắc đang ngày càng tăng lên, người mắc trung bình từ 25 - 50 tuổi. Hiện, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở người lớn nhập viên điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Bạc Liêu chiếm 60%, trẻ em chỉ còn 40%. Qua theo dõi, đa phần các bệnh nhân còn chủ quan, tự mua thuốc điều trị; khi thấy các dấu hiệu xuất huyết bất thường mới nhập viện. Đây cũng là lý do khiến cho số ca nặng tăng nhanh.
Trong khi đó, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu phải kê thêm giường, cho 2 trẻ nằm chung một giường vì số lượng nhập viện gia tăng mỗi ngày.
Chị Phạm Thị Diễm, ở ấp Ba Mến A, xã An Trạch, huyện Đông Hải có hai con gái, con lớn vừa xuất viện thì con nhỏ cũng nhập viện vì mắc sốt xuất huyết. Chị Diễm cho biết, ở nơi chị sinh sống cũng có mấy trường hợp khác mắc bệnh. Nhờ có hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết nên gia đình đã đưa con vào viện đều trị kịp thời, không có biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Đỗ Thị Yến, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viên Đa khoa Bạc Liêu cho biết: Khác với những năm trước, năm nay, số trẻ em mắc sốt xuất huyết nhập viện thể nặng chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều bệnh nhân nhập viện muộn dẫn tới tình trạng sốc nặng, sốc kéo dài và gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan, suy thận, thậm chí là tử vong. Tính từ đầu năm đến nay đã có 3 trường hợp tử vong tại khoa Nhi vì căn bệnh này. Bác sĩ Yến cảnh báo, tình trạng sốc sốt xuất huyết nếu không được can thiệp kịp thời sẽ khiến việc điều trị, hồi sức cho người bệnh, nhất là trẻ em gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ tử vong cao cũng như có thể để lại di chứng cho trẻ.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành Y tế Bạc Liêu đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu cho biết, Trung tâm cùng các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đang tăng cường tổ chức các hoạt động của chiến dịch vệ sinh môi trường như thu gom phế thải, vật dụng chứa nước không cần thiết trong và xung quanh nhà; đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, nhất là đối với các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, khu vực có ổ bệnh cũ. Đồng thời, ngành Y tế tổ chức xử lý triệt để ổ bệnh mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, có đánh giá khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.