Trang Chủ > Sức khỏe > Thế giới đã có hơn 610 triệu người mắc COVID-19, châu Á đứng đầu về ca nhiễm mới trong 24 giờ qua

Thế giới đã có hơn 610 triệu người mắc COVID-19, châu Á đứng đầu về ca nhiễm mới trong 24 giờ qua

Alo Bác Sĩ
06/09/2022 09:53:25

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 5/9 cho thấy, thế giới lần lượt ghi nhận tổng số 610.170.972 ca nhiễm và 6.503.423 trường hợp tử vong vì COVID-19. Hiện toàn thế giới có 586.790.357 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 16.877.192 ca bệnh đang điều trị thì có 16.834.855 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,7%) và 42.337 ca (chiếm 0,3%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 222.253.960 trường hợp, trong đó có 1.904.758 ca tử vong và 216.144.491 ca được điều trị khỏi. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 184.703.617 trường hợp, với 1.469.265 ca tử vong và 176.480.734 ca điều trị khỏi.

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 5/9 là 114.681.230 trường hợp, trong đó có 1.526.224 ca tử vong. Còn tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 5.362 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 63.729.055 ca nhiễm và 1.326.116 ca tử vong vì COVID-19.

Châu Đại Dương có thêm 6.920 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 5.821 ca. Hiện khu vực này có tổng số 12.186.356 trường hợp ca mắc COVID-19, với 19.627 ca tử vong. Còn tại châu Phi, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 lần lượt là 12.616.033 và 257.418 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới với 254.180 trường hợp và châu Âu đứng thứ hai thế giới với 82.810 trường hợp.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở đây đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại.

COVID-19 tiếp tục đặt ra thách thức đối với công tác chăm sóc y tế toàn cầu và cản trở bước tiến tới mục tiêu phát triển bền vững số 3 vào năm 2030, đó là đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Giới chức y tế Mỹ thông báo, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm năm thứ 2 liên tiếp trong năm 2021 và đây là 2 năm giảm mạnh nhất trong một thế kỷ qua, chủ yếu vì đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu sơ bộ của CDC Mỹ, từ năm 2020 - 2021, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm gần 1 năm, xuống còn 76,1 tuổi. Đây là mức trung bình thấp nhất kể từ năm 1996. Trước đó, trong năm 2020, tuổi thọ trung bình là 77 tuổi, cũng giảm mạnh từ mức 78,8 tuổi vào năm 2019.

Một biến thể hoàn toàn mới của virus SARS-CoV-2 có thể nổi lên trong mùa đông này, tuy nhiên, những vắc xin hiện có đủ khả năng ngăn ngừa bệnh chuyển nặng và tử vong. Đây là đánh giá được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra ngày 2/9 trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị triển khai đợt tiêm mũi tăng cường nhằm ngăn ngừa làn sóng COVID-19 mới vào cuối năm nay.