Ngày 15/7, tại Hội trường Thành ủy (TPHCM) đã diễn ra Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nhằm đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả đạt được trong quá trình tổ chức và hoạt động của đơn vị này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (QL ATTP) cho biết, trong 6 năm qua, Ban đã khẩn trương liên kết, phối hợp với các Sở ban ngành, các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm của các tỉnh thành bạn, giúp công tác về đảm bảo ATTP tại TPHCM đã được thu về một mối.
Mục tiêu xuyên suốt của Ban QL ATTP là làm sao để chống thực phẩm bẩn, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, nâng cao nhận thức của người dân về ATTP. Ban cũng tích cực cải cách hành chính, cải cách công tác cấp phép.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Nhờ sự thống nhất cả 3 chuyên ngành, kết hợp lực lượng của 3 Sở (gồm Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp), những vấn đề liên quan đến ăn uống, ATTP sẽ do Ban tiếp nhận xử lý, người dân TPHCM không còn cảnh không biết nơi nào cấp phép cho mình. Hiện nay, 100% thủ tục về ATTP đã được thực hiện đến cấp độ 3 (chỉ còn phải thanh toán trực tiếp).
Trong 6 năm hoạt động, đã có hơn 675.000 thủ tục giấy tờ cần đóng dấu đã được Ban QL ATTP TPHCM thực hiện. Hơn 167.000 hồ sơ công ty trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tự công bố và tự chịu trách nhiệm trong thời gian trên, cho thấy áp lực về quản lý Nhà nước trong vấn đề hậu kiểm là rất lớn.
Bà Phong Lan nhận định, từ khi Ban QL ATTP TPHCM hoạt động, số vụ ngộ độc phát hiện ít hơn qua từng năm, vấn đề giám sát tốt hơn, thanh kiểm tra cũng nhiều hơn. Từ năm 2017 đến tháng 5/2022, các Đoàn kiểm tra của Ban QL ATTP đã tiến hành thanh kiểm tra hơn 28.600 cơ sở, xử phạt hơn 2.200 cơ sở vi phạm, với số tiền phạt hơn 31 tỷ đồng.
Từ khi Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM hoạt động, gia súc tiêu thụ từ tỉnh bắt buộc phải đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc (Ảnh: Hoàng Lê).
Bà Phong Lan chia sẻ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ban QL ATTP cũng sẽ cố gắng hết sức. Nhưng thời gian qua có nhiều bất cập về thống nhất cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, nguồn nhân lực và biên chế, vấn đề xử phạt... Nếu có một cơ chế phù hợp hơn cho cả hiện tại và tương lai, đơn vị sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Theo bà Phong Lan, ATTP là một nhánh của y tế dự phòng. Đây là cơ hội để Chính phủ nâng cao tầm vóc lĩnh vực này, vì người dân cần phải ăn uống tốt thì mới cơ bản có sức khỏe tốt để phòng bệnh.
"Chính sách có hay đến mấy nhưng khi triển khai bị manh mún, lẻ tẻ thì cũng không giải quyết được triệt để vấn đề. Hiện nay mọi hoạt động của Thanh tra Ban QL ATTP phải qua quyết định của trưởng ban, anh em chưa được "cởi trói" lắm.
Các thời cơ, điều kiện đã chín muồi để mô hình thí điểm thời gian qua được chính thức hóa, bằng cách chuyển Ban QL ATTP thành Sở ATTP" - bà Phong Lan mong muốn.