Xóm trọ nhỏ tại phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) một ngày cuối tháng 7 đón đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra thực tế tình hình phòng chống các dịch bệnh theo mùa. Trước đó không lâu, một bé gái mới 10 tuổi sống tại đây đã bị căn bệnh sốt xuất huyết cướp đi mạng sống thương tâm.
Sốt xuất huyết cướp đi đứa cháu nội độc nhất
Vừa bước vào, đoàn công tác đã nghe tiếng tụng kinh len lỏi từ căn phòng giữa dãy trọ thoát ra ngoài hành lang. Hơn 10 ngày qua, cô T.N. vẫn chưa thể nào nguôi ngoai nỗi đau mất đứa cháu nội độc nhất của mình.
Cô N. suy sụp sau khi mất đi cháu nội 10 tuổi (Ảnh: Hoàng Lê).
Cô N. kể, trước đó cháu nội cô là bé H.M. hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Sau khi kết thúc năm học lớp 4, bé được ông bà cho về Tây Ninh nghỉ hè một tuần.
Ở quê, vì bé có đi tắm hồ bơi, nên khi thấy cháu mệt và nóng đầu, cô Nhi tưởng cháu chỉ cảm sốt thông thường. "Tưởng do xuống nước bị sốt, nên tôi chỉ đi mua thuốc ngoài cho cháu uống. Sau đó bé có khỏe hơn nhưng lại thường xuyên buồn ngủ. 4 ngày sau thấy tình hình không ổn vì bé cứ mệt hoài, tôi mới đưa cháu vào bệnh viện tư, rồi chuyển sang bệnh viện tỉnh" - cô N. kể lại.
Theo người bà, thời điểm nhập viện bé vẫn trong trạng thái tỉnh táo, còn uống được sữa, uống nước yến bình thường. Nhưng chỉ trong vài giờ, bé nhanh chóng xuống sức, khó thở và yếu đi.
4h sáng hôm sau, các bác sĩ đã đặt nội khí quản rồi chuyển bé lên một bệnh viện tuyến trên ở TPHCM trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. Tại đây, bé đã suy gan thận, được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu nhưng sau 5 ngày đã tử vong vì tình trạng quá nặng.
Người bà kể lại những ngày bé M. nằm viện vì sốt xuất huyết (Ảnh: Hoàng Lê).
Cũng theo bà nội, vì cháu phải điều trị bằng các kỹ thuật phức tạp và lọc máu liên tục nên tổng viện phí lên đến 280 triệu đồng, trừ chi phí bảo hiểm y tế còn hơn 100 triệu đồng. Số tiền này so với mức lương công nhân của cha bé là quá lớn. May mắn nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh và mạnh thường quân, trường học mà gia đình mới lo đủ tiền.
Cái chết bất ngờ của cháu gái khiến cô N. vẫn không khỏi bàng hoàng, đau xót. Ôm quyển vở của cháu từ ngăn bàn ra, cô N. chia sẻ, cháu nội viết chữ đẹp, học giỏi lắm. Trước đó, bé từng đoạt giải trong cuộc thi nhà sử học nhỏ tuổi cấp tỉnh.
"Năm nào cháu cũng được lãnh thưởng. Từ lớp 1 tới nay vẫn còn 60 cuốn vở trắng. Giờ bé mất rồi, tôi mang cho các bạn của cháu hết…" - cô N. nghẹn giọng.
Trong không khí phảng phất mùi khói nhang, cô N. chia sẻ, từ 10 tháng tuổi khi vợ chồng con trai bà chia tay, M. đã do một tay ông bà nội ẵm bồng nuôi nấng. Nên giờ dù cháu mất rồi và có sống ở đâu, bà cũng sẽ mang di ảnh bé theo để thờ cúng.
Cô N. cho biết, lúc còn sống cháu nội viết chữ rất đẹp, học giỏi (Ảnh: Hoàng Lê).
Cần phòng bệnh quyết liệt hơn nữa
Cầm trên tay món quà là những chai nước rửa tay, dung dịch khử khuẩn mà Đoàn công tác của Bộ Y tế trao tặng, người bà càng chạnh lòng, ước gì phát hiện sớm hơn để căn bệnh sốt xuất huyết quái ác không cướp đi sinh mạng cháu gái.
Từ bi kịch quá đau lòng gia đình vừa hứng chịu, cô Nhi khuyên mọi người đừng chủ quan. Khi thấy con em mình có những triệu chứng nóng, sốt, mệt phải đưa đi xét nghiệm máu sớm, để chẳng may có bệnh gì cũng phát hiện kịp. "Đừng để như cháu tôi, đau lòng lắm…" - cô N. nhắn nhủ.
Trạm Y tế phường Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một) báo cáo về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết với lãnh đạo Bộ Y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Bé M. cũng là 1 trong 12 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết ở Bình Dương. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, tính đến tuần 29 địa phương đã có hơn 8.500 ca mắc bệnh, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 3.500 bệnh nhân là người dưới 15 tuổi. Ngoài bé M., có 7 trẻ khác tại Bình Dương bị căn bệnh sốt xuất huyết tước đoạt mạng sống.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm này dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại. Đồng thời dịch sốt xuất huyết đang hoành hành với khoảng 124.000 ca mắc trên toàn quốc, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam.
Tại dãy trọ nơi cô N. sinh sống, đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra và phát hiện nhiều lăng quăng trong các chậu cây chứa nước (Ảnh: Hoàng Lê).
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên. Nguyên nhân là do mùa hè khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng cũng như tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ... chưa được chủ động triển khai và duy trì thường xuyên; tập quán tích trữ nước tại các hộ gia đình không có thay đổi đáng kể. Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND các tỉnh thành phố cùng các ban ngành địa phương quan tâm quyết liệt hơn nữa việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, vận động nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể, ăn chín uống sôi, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ... để hạn chế việc lây lan, kiểm soát tốt dịch bệnh.