Trang Chủ > Sức khỏe > Ảnh hưởng của trái bắp đến hệ tiêu hóa

Ảnh hưởng của trái bắp đến hệ tiêu hóa

VnExpress
09/08/2022 05:48:20

Bắp là thực phẩm khá quen thuộc, được trồng và ăn phổ biến trên thế giới với nhiều loại. Trong đó, bắp Mỹ (ngô ngọt) được nhiều người yêu thích. Bắp giàu cellulose, một loại chất xơ không hòa tan mà cơ thể không thể phân hủy. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ), cellulose đi qua hệ tiêu hóa hầu như không thay đổi bản chất, góp phần tạo thêm khối lượng lớn cho phân, di chuyển nhanh qua ruột. Chất xơ trong bắp có tác dụng nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón.

Bắp tự nhiên không chứa gluten, một lựa chọn tốt để sử dụng thay cho lúa mì. Nó cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa quan trọng có thể giúp ích cho sức khỏe. Đối với hệ tiêu hóa, bắp có nhiều chất xơ, cần thiết để duy trì lối sống lành mạnh. Chất xơ trong bắp mang lại nhiều lợi ích khác như điều chỉnh nhu động ruột, quản lý lượng đường trong máu... Mặc dù, bắp được xếp vào nhóm ngũ cốc nhưng bắp không chứa gluten nên phù hợp cho người bị bệnh đường tiêu hóa như celiac hoặc không dung nạp gluten.

Bắp còn là nguồn cung cấp kali, giúp điều chỉnh hệ thống tuần hoàn, duy trì lưu lượng máu. Nó còn chứa lutein có tác dụng giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.

Ảnh hưởng của trái bắp đến hệ tiêu hóa-1

Bắp chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Ảnh: Freepik

Bạn cần một lượng chất xơ trong chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa, nhưng quá nhiều có thể gây ra các vấn đề tiêu cực như đầy hơi, đau bụng theo Livestrong . Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, một ly bắp cung cấp 3,3 g chất xơ, chiếm khoảng 13% chế độ ăn kiêng của nữ và 9% chế độ ăn kiêng của nam. Nếu bạn ăn nhiều hơn mức này, cộng thêm lượng chất xơ từ các thực phẩm khác, cơ thể có thể bị quá tải.

Chất xơ, tinh bột và sucrose có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho một số người. Bắp chứa khá nhiều đường tự nhiên sucrose, một lượng nhỏ khác là maltose, glucose và fructose. Những người bị rối loạn di truyền như thiếu hụt sucrase-isomaltase bẩm sinh (CSID) không thể phân hủy sucrose và maltose. Nếu ăn nhiều bắp có thể bị tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng giống như trào ngược. Rối loạn này cũng có thể gây ra tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng khác, dẫn đến các vấn đề dinh dưỡng nghiêm trọng hơn. Một số người có chứng không dung nạp tinh bột, cơ thể không thể phá vỡ carbs cũng gặp các triệu chứng tương tự như những triệu chứng liên quan đến không dung nạp đường sucrose.

Nếu bạn bị đau bụng, buồn nôn sau khi ăn quá nhiều bắp, hãy cân chỉnh số lượng để theo dõi những thay đổi của cơ thể. Còn nếu tình trạng không dung nạp carbohydrate trở nên tồi tệ hơn, gặp các vấn đề tiêu hóa , bạn nên hạn chế ăn hoặc cắt bắp ra khỏi thực đơn.

Hà Phượng
(Theo Livestrong, MedicalNews Today, Web MD )

12 món ăn nhẹ cho người viêm loét đại tràng

Tác dụng của nha đam với hội chứng ruột kích thích

Công dụng tốt cho tiêu hóa của rau mồng tơi