Bệnh nhân nữ H.T.Đ., sống tại thành phố Cao Bằng được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng thăm khám trong tình trạng đau bụng nhiều ở vùng hạ vị liên tục trong 3 ngày.
Qua thăm khám, chụp X-quang, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng trực tràng và được chỉ định mổ cấp cứu.
Kíp phẫu thuật đã kiểm tra ổ bụng phát hiện có dịch đục và giả mạc lẫn phân, các quai ruột xung huyết, toàn bộ đại tràng có nhiều hạt quả bứa cứng và nhọn chọc gây thủng đoạn nối giữa đại tràng sigma và trực tràng.
Hình ảnh hạt quả bứa được lấy ra từ bụng người bệnh (Ảnh:BVCC).
Các bác sĩ đã lấy tối đa các hạt quả bứa ra khỏi ổ bụng và tiến hành làm sạch, rửa ổ bụng, khâu lại lỗ thủng trực tràng. Sau mổ, bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn các loại quả có hạt sắc nhọn, đặc biệt với người già và trẻ em, vốn có hệ tiêu hóa kém, khó tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột, thủng ruột gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều trường hợp thủng ruột vì nuốt dị vật
Tình trạng thủng ruột do nuốt phải dị vật sắc nhọn không phải là hiếm gặp. Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị đã tiếp nhận một cụ ông đến thăm khám trong tình trạng đau bụng đi ngoài phân đen và có máu tươi.
Tuy nhiên, qua nội soi, các bác sĩ phát hiện trong ống hậu môn trực tràng của bệnh nhân có dị vật. Dị vật sau đó được xác định là một viên thuốc đường kính 3cm còn nguyên vỏ bao nhựa với các cạnh sắc như dao. Hai cạnh viên thuốc đã cắm vào ống hậu môn trực tràng gây hai vết thủng.
Viên thuốc được gắp ra từ bụng bệnh nhân (Ảnh:Bệnh viện cung cấp).
Trên phim chụp X-quang và CT ổ bụng cho thấy có hình ảnh dị vật cản quang xuyên vào ống hậu môn trực tràng nhưng may mắn là chưa có các tổn thương như tràn dịch hoặc viêm.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân mới nhớ ra rằng, cách thời điểm khám bệnh gần 2 ngày, có mua thuốc về uống. Sau khi uống ông cảm thấy hơi vướng vướng, nghẹn nhẹ nhưng không đến nỗi quá khó chịu, ông có đi phân đen và ra máu.
Những ngày sau bệnh nhân vẫn thấy bình thường, chỉ hơi khó chịu bụng, đi ngoài ra máu. Bệnh nhân H. hoàn toàn không mảy may nghi ngờ rằng việc đau bụng và đi ngoài ra máu đó đến từ viên thuốc còn nguyên vỏ đã mắc kẹt từ lần uống thuốc.
Viên bi được lấy ra từ bụng bệnh nhi (Ảnh:Bệnh viện cung cấp).
Một trường hợp khác là cháu bé 2 tuổi quê Bến Tre phải nhập viện cấp cứu vì nuốt phải bi nam châm
Theo lời kể từ gia đình, cách thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhi cầm hộp đồ chơi có viên bi nam châm dạng tháo rời, sau đó vô tình nuốt vào bụng.
Hôm sau bé đau bụng liên tục nên được đưa đi Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Qua hình ảnh chụp X-quang bụng, các bác sĩ phát hiện có 2 dị vật cản quang hình tròn. Bé nhập khoa Ngoại Tổng hợp và được phẫu thuật cấp cứu cùng ngày.
Quá trình phẫu thuật, ê-kíp điều trị thấy 2 viên nam châm hình tròn và 5 lỗ thủng ở ruột non. Sau khi tiến hành lấy 2 dị vật ra ngoài và khâu các lỗ thủng, bệnh nhi được chuyển ra khoa Hồi sức Ngoại để tiếp tục chăm sóc và theo dõi sau mổ.