Phao xốp bủa vây vịnh Bái Tử Long
Những ngày tháng 6, theo chân đoàn công tác của H.Vân Đồn (Quảng Ninh) đi khảo sát việc nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh Bái Tử Long, chúng tôi không khỏi hãi hùng trước những “bẫy tử thần” là hàng loạt phao xốp từ các khu vực nuôi hàu nổi lềnh phềnh chi chít trên mặt biển.
Phao xốp bủa vây vịnh Bái Tử Long Lã Nghĩa Hiếu
Ông Nguyễn Văn Công (49 tuổi, xã Bản Sen, H.Vân Đồn) cho biết, từ hàng chục năm nay, ngư dân nơi đây thường dùng phao xốp để nuôi hải sản theo hình thức treo thả giống trên biển.
“Phao xốp thì tiện lợi, dễ sử dụng cho việc nuôi hàu, làm lồng bè nhưng chỉ sau khoảng 2 - 3 năm, vật liệu này vô tình trở thành hàng tấn rác thải khổng lồ trôi nổi trên mặt biển”, ông Công nói.
Không chỉ uy hiếp môi trường biển , những chiếc phao xốp hiện nay còn như chiếc bẫy giăng kín mặt biển, cản trở việc lưu thông của tàu, thuyền. Thuyền trưởng Vũ Đức Thọ (48 tuổi, TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, rất nhiều lần tàu thuyền qua lại trên vùng vịnh Bái Tử Long đã “dính bẫy” những mảng phao xốp này.
“Khắp nơi trên vịnh Bái Tử Long, ngư dân xây dựng những vựa hàu đan vào nhau như mạng nhện trên biển. Nhiều người lấn chiếm khu vực nuôi trồng sang cả luồng đường thuỷ nội địa. Nếu không chú ý quan sát là dây lưới phao xốp sẽ cuốn vào chân vịt”, ông Thọ nói.
Đáng chú ý, theo UBND H.Vân Đồn, tại địa phương này có gần 1.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, với gần 2.900 ha, chiếm 70% cơ sở nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh Quảng Ninh (các cơ sở chủ yếu sử dụng phao xốp để nuôi trồng thủy sản). Đáng lo ngại, gần 1.700 ha trong số đó nằm ngoài quy hoạch.
Việc ngư dân nuôi hàu với mật độ dày như vậy đã tạo ra áp lực lớn với môi trường biển. Cuối năm 2021, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đã kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước tại các khu vực khoanh nuôi hàu kể trên, kết quả quan trắc môi trường cho thấy nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, nồng độ N - NH4 trong nước ở các vùng nuôi cao hơn từ 1,13 - 1,38 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép; mật độ coliform vượt ngưỡng lần lượt là 3,3 lần và 6,7 lần… Đáng lưu ý, các mẫu hàu có ghi nhận bị nhiễm khuẩn các loài thuộc nhóm vi khuẩn Vibrio, dễ làm cho người tiêu dùng ăn sống bị tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Quyết loại bỏ phao xốp trong năm 2022
Trước thực trạng đáng lo ngại trên vịnh Bái Tử Long, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định loại bỏ phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản; với mục tiêu hết năm 2022 sẽ chuyển đổi toàn bộ lượng phao tồn sang vật liệu nhựa HPDE. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ ngư dân chuyển đổi, loại bỏ phao xốp vẫn còn rất thấp.
Theo UBND H.Vân Đồn, trong năm 2022, địa phương này phải chuyển đổi khoảng 5 triệu quả phao xốp trên vịnh Bái Tử Long, trong khi đến nay tỷ lệ chuyển đổi mới đạt gần 30% so với kế hoạch; tương đương khoảng hơn 1 triệu phao xốp.
Ông Đào Vân Vũ, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết để chấm dứt hoàn toàn việc dùng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, địa phương này đặt ra mục tiêu mỗi tháng phải chuyển đổi thành công khoảng 10%. Lý giải nguyên nhân chuyển đổi bị chậm, ông Vũ cho biết ngư dân sau những năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn gặp khó khăn về nguồn vốn.
Thêm nữa, qua tính toán của các hộ nuôi trồng thuỷ sản, đầu tư phao nhựa HDPE cao hơn 2 - 3 lần so với phao xốp. Cụ thể, giá 1 quả phao nhựa từ 70.000 - 80.000 đồng, trong khi phao xốp dưới 30.000 đồng.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết Sở đã công bố danh sách 9 đơn vị cung ứng vật liệu nổi. Tất cả đơn vị này vừa hỗ trợ về giá cho ngư dân trong quá trình chuyển đổi, vừa cam kết bảo hành chất lượng 1 - 2 năm. Cũng theo ông Sơn, trong quá trình chuyển đổi phao xốp sang vật liệu hợp chuẩn, ngư dân được hỗ trợ về giá vật liệu và còn nhận được các cơ chế chính sách khác về vay vốn, cho thuê mặt nước của địa phương.
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp xâm lấn mặt biển gây hại môi trường ; đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động người dân chung tay vì môi trường biến.