Trang Chủ > Sức khỏe > Ăn cháo ngoài hàng, bé gái bị nhiễm trùng đường ruột

Ăn cháo ngoài hàng, bé gái bị nhiễm trùng đường ruột

Sức Khỏe và Đời Sống
08/09/2022 05:08:12

Số trẻ nhập viện mắc các bệnh về tiêu hóa lúc giao mùa tại TP.HCM đang gia tăng. Bác sĩ cảnh báo, thời điểm giao mùa là điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên phụ huynh cần hết sức lưu ý.

T

rẻ nhập viện do rối loạn tiêu hóa khi

giao mùa gia tăng

Tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) hiện đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi mắc các bệnh lý về tiêu hóa như viêm dạ dày , viêm ruột cấp...

Theo TS.BS Hà Văn Thiệu, quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời gian gần đây số trẻ nhập viện vì bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi trùng, virus và do ngộ độc thức ăn có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, số bệnh nhi nhập viện do bị viêm dạ dày ruột cấp chiếm 20-30%. Hiện nay, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhi nhập viện với tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng .

Bệnh nhi N. đã được nhập viện cách đây 14 ngày do nhiễm trùng đường ruột sau khi ăn cháo ngoài hàng. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng điều trị tích cực, hiện bé vẫn còn sốt và đang được tiếp tục theo dõi.

Ăn cháo ngoài hàng, bé gái bị nhiễm trùng đường ruột-1

Số trẻ nhập viện do mắc các bệnh về tiêu hóa đang gia tăng.

Theo bác sĩ, cách đây hai tuần, bé nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Sau khi thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán là bé bị nhiễm trùng đường ruột.

Chị T.Q. mẹ cháu bé cho biết, trước đó, gia đình đã mua cháo dinh dưỡng ở ngoài cửa hàng cho bé ăn. Sau khi ăn hai tiếng bé bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn ói. Gia đình nghi ngờ bé bị ngộ độc nên đã đưa trẻ đến bệnh viện địa phương để cấp cứu. Sau đó bé được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

Không tự ý dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy

Bác sĩ Thiệu cho biết, với thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường như hiện nay khiến cho thức ăn rất dễ bị ôi thiu. Trong khi đó, rối loạn tiêu hóa lại lây nhiễm qua đường ăn uống. Vậy nên khả năng trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa thời gian này rất cao.

Ngay khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như ói, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt kèm theo mất nước phụ huynh nên sử dụng dung dịch oresol với liều lượng một gói pha với 200ml nước và cho trẻ uống để bù nước.

Trong trường hợp trẻ không uống được, tiêu chảy ra máu, ói nhiều lần, vật vã, không nô đùa, lơ mơ, khóc không có nước mắt, môi khô… phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán mức độ nặng nhẹ và có hướng điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng.

Ăn cháo ngoài hàng, bé gái bị nhiễm trùng đường ruột-2

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ để tránh bị ngộ độc thuốc và bệnh trở nặng.

Quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc chống nôn cho bé sử dụng nếu không có ý kiến của bác sĩ. Hiện nay, thuốc Domperidone với tác dụng chống nôn được bán rất nhiều tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, loại thuốc này không mang lại hiệu quả cao nhưng rất dễ gây ngộ độc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 35kg.

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ em, chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên rửa tay với xà phòng trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ, cho trẻ rửa tay trước và sau khi ăn.

Thời tiết nắng nóng khiến thức ăn rất nhanh bị ôi thiu vây nên mọi người không nên sử dụng đồ ăn cũ, hạn chế cho trẻ ăn ở ngoài. Phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn để nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ sớm.

Nếu phụ huynh không đảm bảo vệ sinh hằng ngày cho trẻ tốt, bảo quản thực phẩm không đúng cách hoặc thức ăn chế biến không hợp vệ sinh thì đây có thể xem là nguồn lây chính cho nhóm bệnh này.