Trang Chủ > Sức khỏe > Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?

Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?

Zingnews
25/09/2022 03:04:11
Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?-1

Ở nhiều nền văn hóa, ăn bằng tay rất phổ biến. Ảnh: Christina Hägerfors .

Khi Shahnaz Ahsan, nhà văn người Anh, tác giả cuốn Hashim & Family , lần đầu tiên dẫn chồng tương lai về ra mắt gia đình, nhà cô chào đón thành viên mới rất nồng nhiệt, trừ đứa cháu gái 9 tuổi. Con bé gay gắt hỏi: "Tại sao dì phải lấy người đàn ông đó? Cháu cá chú ấy không thể ăn bốc".

Trên thực tế, vị hôn phu người Anh gốc Do Thái của Shahnaz Ahsan ăn bằng tay không rất giỏi. Việc cháu gái cô cho rằng anh ấy không thể tuân thủ tập tục văn hóa Bangladesh cơ bản nhất này chắc hẳn là lý do cô bé phản đối bạn trai dì. Trong suy nghĩ của cô bé, nếu không biết ăn bốc, người đàn ông đó sao có thể kết hôn với dì của em.

Trong bữa ăn gia đình đầu tiên, cháu gái cô tò mò nhìn khi chồng cô Shahnaz Ahsan ngó lơ bộ dao nĩa bày sẵn - dụng cụ ăn uống duy nhất trên bàn - rồi dùng ngón tay trộn đều xôi và món dal vàng rất khéo léo. Bố Ahsan đặt miếng cá rán lên đĩa của con rể tương lai. Miếng cá được chọn lọc cẩn thận từ phần bụng và thường dành cho trẻ em vì nó chứa ít xương hơn. Mẹ cô trấn an rằng anh có thể dùng nĩa nếu thích song anh vẫn từ chối.

Shahnaz Ahsan sợ hãi xen lẫn tự hào khi người chồng sắp cưới cẩn thận dùng ngón cái và ngón trỏ ấn tìm xương như cô đã chỉ trước đây. Anh ăn chậm và giữ ý tứ, duy trì đúng quy ước chỉ chạm vào thức ăn bằng tay phải. Bố mẹ cô đã rất ấn tượng.

Ăn bằng tay từng bị coi là cấm kỵ

Ở phương Tây, những gì từng bị cấm kỵ nay lại trở nên phổ biến như việc ăn một số loại thức ăn bằng tay không. Không ai ngoảnh lại nhìn người nào đó ăn bánh mì kẹp thịt bằng tay không cả. Và ăn pizza bằng dao nĩa thậm chí bị coi là trò hề. Nhưng vẫn có ranh giới rõ ràng: Không ai ăn bốc món gà tikka masala và cơm pilau trong nhà hàng cà ri địa phương.

Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?-2

Trong quá khứ, ở các nước phương Tây, việc dùng tay bốc thức ăn là điều cấm kỵ nhưng giờ đây, chuyện này rất phổ biến. Ảnh: Huff Post.

Ông của Shahnaz Ahsan, người sở hữu một nhà hàng Ấn Độ - Bangladesh ở Manchester vào những năm 1970, gọi dao và nĩa là sifkhata - nghĩa đen là "đồ cắt khoai tây". Ông kiên quyết dạy con cháu cách sử dụng dao nĩa đúng cách để họ không bối rối khi tiếp xúc với phong tục ăn uống ở nơi khác.

Khi Shahnaz Ahsan bắt đầu học tại Đại học Oxford, gần một thập kỷ sau khi ông cô qua đời, cô một lần nữa biết ơn sự kiên trì của ông vì nhờ đó, Shahnaz Ahsan có thể tự tin dùng dao nĩa trên bàn ăn lớn tại hội trường trang trọng.

Quy tắc khi ăn bốc

Giống như các nghi thức sử dụng dao và nĩa, ăn bốc không dễ dàng. Nó được thực hiện rộng rãi trên khắp thế giới, với các nền văn hóa Trung Đông, châu Phi và châu Á nhưng điều đáng ngạc nhiên là ăn bằng tay không cũng có quy tắc.

Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?-3

Ăn bằng tay không cũng có nhiều quy tắc cần lưu ý. Ảnh minh họa: Christina Hägerfors.

Đầu tiên, rửa tay trước khi ăn rất quan trọng. Chủ nhà đem bình, chậu tới và rót nước lên tay của bạn nghĩa là họ rất chào đón và quý mến bạn.

Khi còn nhỏ, Shahnaz Ahsan không thể hiểu tại sao dù nhà ông bà có bếp và nước sinh hoạt đầy đủ, khách vẫn được mang đến một cái chậu và bình để rửa tay tại bàn. Bây giờ, cô đã nhận ra ý nghĩa của nghi thức này: Dù khách chắc chắn sẽ rửa tay dưới vòi nước, việc sử dụng bình và chậu là cử chỉ thể hiện lòng hiếu khách ở một số nền văn hóa.

Thực hành nghi thức này trước khi bữa ăn bắt đầu là điều tốt. Nhưng Shahnaz Ahsan luôn cảm thấy ghê sợ khi thấy chậu nước đầy váng, ám màu vàng nghệ, với những hạt gạo lấm tấm nổi xung quanh khi khách rửa tay sau bữa ăn. Theo cô, nếu có bồn rửa và vòi nước, chúng ta vẫn nên sử dụng chúng hơn.

Quy tắc thứ hai là chỉ được chạm vào thức ăn bằng tay phải dù món chính là bánh mì, gạo hay một số loại ngũ cốc khác như hạt kê, ngô, sắn nghiền. Chạm vào thức ăn bằng tay trái là điều cấm kỵ lớn ở hầu hết quốc gia, trừ châu Âu và Bắc Mỹ.

Việc quen thuộc với những quy ước ăn bằng tay này giúp Shahnaz Ahsan thích nghi văn hóa khi ở những nơi khác nhau. Ở Zimbabwe, cô nhanh chóng học cách tạo hình bột ngô dẻo sadza bằng ngón tay và dùng nó để quấn quanh rau xanh hầm.

Ở Ethiopia, Shahnaz Ahsan cũng không gặp khó khăn khi ăn injera với shiro, xé bánh kếp bột teff bằng tay phải và xúc món đậu gà hầm thơm mùi berbere. Tập quán gursha (đút cho người thân, bạn bè bằng tay) của người Ethiopia cũng quen thuộc với cô vì điều này giống truyền thống Bangladesh. Nó thể hiện sự chia sẻ, thân thiết, vun đắp trong gia đình thông qua việc ăn uống.

Ý nghĩa của nghi thức ăn bốc

Ăn bốc đồng nghĩa bàn ăn đó không giới hạn số người. Đặc biệt, ở Trung Đông, các khu vực khác thuộc châu Á, châu Phi, thức ăn thường được phục vụ trong một đĩa ăn chung. Như vậy, chúng ta không bao giờ thiếu đĩa và không cần kiếm thêm nĩa nếu ai đó bất ngờ xuất hiện vào giờ ăn tối. Điều này phản ánh tầm quan trọng của tính cộng đồng trong việc thưởng thức bữa ăn.

Thực hành ayurveda của người Ấn Độ dạy về lợi ích của việc ăn bốc - mỗi ngón tay trong 5 ngón tương ứng với nguyên tố khác nhau (ête, không khí, lửa, nước và đất) và việc ăn bằng tay kết nối chúng ta trực tiếp với thức ăn, thậm chí thúc đẩy quá trình tiêu hóa.

Ăn bốc có khiến đồ ăn ngon hơn không?-4

Hầu như người Ấn Độ đều ăn bốc vì điều này khiến họ tận hưởng bữa ăn hơn. Ảnh: India Post.

Các cuộc tranh luận vẫn kéo dài năm này qua năm khác về việc liệu thức ăn có thực sự ngon hơn khi ăn bằng tay không. Đây là điều quá chủ quan, chỉ có thể được trả lời bằng trải nghiệm cá nhân. Nhưng nhiều người lập luận phải có lý do cho việc ăn cá, khoai tây chiên bằng tay không, trên bãi biển lại ngon hơn rất nhiều khi ăn chúng trên đĩa sứ trắng trong nhà hàng.

Chúng ta có thể liếm muối và giấm dính vào đầu ngón tay theo cách không thể làm được khi dùng nĩa. Shahnaz Ahsan thích nhất ăn bốc để thưởng thức món ăn, dù đó là bánh taco nhân thịt bò, phủ pico de gallo, kem chua hay một đĩa cơm chiên nóng hổi và dim biran - trứng tráng với ớt xanh, rau mùi, hành tây. Đối với cô, việc trộn đồ ăn bằng tay một cách bài bản, nhịp nhàng giống như thiền vậy.

Ở Bangla, người dân gọi kiểu trộn đó là makhani. Nó thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Shahnaz Ahsan nhớ bố cô cũng đút cho cô ăn, cẩn thận lọc xương cá và đưa cho cô những nắm cơm được chuẩn bị đầy yêu thương.

Shahnaz Ahsan có một người em họ là sinh viên y khoa, đã ngoài 20 tuổi. Em ấy vẫn nhờ bố đút cơm mỗi khi về thăm nhà. Bố em ấy luôn chiều theo vì ông biết rằng đây là cách họ giữ được mối quan hệ gia đình khăng khít.

Sau khi chứng kiến chồng của Shahnaz Ahsan thành thạo ăn bốc cá, cháu gái cô cuối cùng đã chào đón anh ấy. Nếu anh có thể vì cô mà sẵn sàng ăn bốc đúng truyền thống, anh có thể đối xử tử tế với vợ mình sau này.