Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đang gia tăng ở người trẻ, người trên 50 tuổi có nguy cơ cao. Bệnh khiến các tế bào khỏe mạnh trong đại tràng, trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành khối u lành tính hoặc ác tính.
Bác sĩ Austin Chiang (Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson) chia sẻ trên tờ Insider (Mỹ), yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng được xác định rõ nhất là bệnh viêm ruột, hội chứng Lynch hoặc tiền sử gia đình. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh.
Ít vận động
Tiến sĩ Francis Giardiello (chuyên khoa tiêu hóa Đại học Johns Hopkins) dẫn nghiên cứu cho thấy, ngồi lâu trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng. Ngược lại, tập thể dục thường xuyên giảm nguy cơ mắc bệnh. Tập thể dục tim mạch liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Do đó, các chuyên gia khuyên mỗi người nên tập thể dục 75-150 phút một tuần, có thể đi bộ, chơi thể thao, nâng tạ... để tăng nhịp tim.
Thiếu chất xơ, rau củ quả
Thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày có ảnh hưởng đến khả năng phát triển ung thư trong cơ thể. Chế độ ăn thiếu chất xơ, thực phẩm thực vật, hấp thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, đường làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Bà Anjee Davis, Chủ tịch Fight Colorectal Cancer (tổ chức vận động cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng) cho biết, chất xơ trong bữa ăn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm triệu chứng viêm. Ăn đa dạng chất xơ, trái cây, cắt giảm thực phẩm không lành mạnh có thể phòng các bệnh ung thư nguy hiểm. Biện pháp tốt là hấp thụ các thực phẩm chế biến từ rau củ quả khoảng 2/3 bữa ăn. Người đang mắc ung thư đại trực tràng nên áp dụng chế độ ăn này để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Ăn ít rau củ quả có thể tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: Freepik
Ăn nhiều thịt đỏ, chất béo bão hòa
Một số bằng chứng cho thấy, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ăn nhiều thịt chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Các chuyên gia khuyên trong bữa ăn không phải cắt thịt hoàn nhưng nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, các loại thực phẩm bổ sung chất béo như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội.
"Người có chế độ ăn giàu chất xơ, ít thịt đỏ, không uống rượu, bia, tập thể dục ít có nguy cơ bị polyp và ung thư đại trực tràng. Nếu chọn thịt đỏ, mỗi người không nên ăn quá 340-510 gram mỗi tuần, tránh các loại thịt chế biến sẵn càng nhiều càng tốt. Cần lưu ý cách chế biến thịt, bởi nhiệt độ cao có thể làm tăng mức độ các hợp chất gây ung thư trong thịt", bà Anjee Davis nói.
Uống rượu
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, rượu có thể là yếu tố gây ung thư đại trực tràng, gia tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác. Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly rượu một ngày và không quá hai ly một ngày với nam giới. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra không có lượng rượu nào là an toàn. Khi uống một hoặc hai ly rượu mỗi ngày cũng có thể là yếu tố nguy cơ.
Hút thuốc
Hút thuốc có thể gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến phổi, tăng nguy cơ mắc loại ung thư này. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là cai thuốc và từ bỏ thói quen hút thuốc hàng ngày.
Chỉ số BMI cao
Bà Anjee Davis cho biết, chỉ số khối cơ thể (BMI) có thể là chỉ số cảnh báo về nguy cơ ung thư đại trực tràng tiến triển. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn có liên quan đến chỉ số BMI trên 25 (thừa cân) hoặc 30 (béo phì). Nguy cơ mắc ung thư gần gấp đôi ở những người có chỉ số BMI cao.
Bác sĩ Austin Chiang nhấn mạnh béo phì là yếu tố cần được xem xét để đánh giá nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một số nghiên cứu cho thấy việc quản lý cân nặng kết hợp tập luyện, giảm béo vùng bụng, eo, ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Ảnh: Freepik.
Các vấn đề về tiêu hóa
Các chuyên gia cho biết, sức khỏe đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ phát triển ung thư. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bệnh viêm ruột, bệnh viêm ruột từng vùng (Crohn), viêm loét đại tràng có thể gia tăng nguy cơ bị loại ung thư này. Người bệnh tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ cao, không phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ khác như BMI và thói quen tập thể dục.
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ. Những bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ cần được tầm soát thường xuyên. Người lớn nên bắt đầu tầm soát ở tuổi 45 và trẻ hơn nếu có các bệnh lý tiềm ẩn. Bệnh ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa bằng cách loại bỏ các polyp tiền ung thư trước khi tiến triển thành ung thư.
Di truyền
Tiến sĩ Francis Giardiello cho rằng, không phải tất cả các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng đều có thể thay đổi được, khoảng 20% trường hợp mắc bệnh có mối liên hệ di truyền. Tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp (phát triển bên trong hệ tiêu hóa), có thể làm tăng nguy cơ. Do di truyền và các yếu tố khác, một người có thể mắc ung thư ngay cả khi sống lành mạnh. Vì vậy, mỗi người phải nhận thức được nguy cơ của bản thân, đi khám thường xuyên.
"Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc ung thư đại trực tràng khởi phát sớm. Dù đã tuân thủ các hướng dẫn về lối sống, nhưng vẫn mắc bệnh. Do đó, thay đổi lối sống quan trọng nhưng không thể thay thế việc khám sàng lọc", tiến sĩ Davis nói.
Tiến sĩ Chiang khuyên nếu một người có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng cần thông báo cho người thân để đi tầm soát, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
Minh Thúy ( Theo Insider )