Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý, thái độ và hành vi, giá trị cũng như những thành tựu sau này của trẻ. Nhưng thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay đều gặp phải vấn đề khó kết nối hoặc thậm chí là có xung đột tâm lý với con cái. Không chỉ bởi khác biệt thế hệ, chủ quan, thiếu kiến thức mà còn vì họ quá bận rộn, mệt mỏi và nhiều áp lực.
Tuy nhiên, muốn con phát triển tốt nhất và tránh những xung đột không đáng có thì cha mẹ phải học cách kết nối sớm và giáo dục sớm từ khi con còn nhỏ. Dù bận rộn đến đâu nhưng có 6 việc bạn nên thường xuyên làm cùng con trẻ, dù chỉ là tranh thủ những buổi chiều cuối tuần:
1. Dã ngoại, du lịch gia đình
Đây là 1 trong những việc làm giúp nuôi dưỡng tình cảm giữa cha mẹ và con trẻ rất tốt. Hơn nữa, trẻ em hiếu động, thích vui chơi lại rất có hứng thú với các hoạt động kiểu này. Nhân đó, cha mẹ cũng có thời gian nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành sau những ngày làm việc căng thẳng.
Bạn nên ưu tiên đưa con đến những nơi có thể cắm trại hoặc có nhiều cảnh sắc thiên nhiên, di tích lịch sử… Điều này có thể khiến trẻ cảm nhận được những cảnh sắc thiên nhiên và phong tục nhân văn khác nhau, làm phong phú hiểu biết và thế giới quan của trẻ.
2. Đọc sách
Cùng con đọc một vài cuốn sách hay là cách rất tốt để kết nối và hiểu hơn về tư duy, thế giới của con. Tranh thủ cuối tuần, cha mẹ có thể đưa con đến thư viện để tìm hiểu sở thích của con, cho con bổ sung kiến thức và cũng nhân cơ hội này để con học cách tĩnh lặng, suy nghĩ.
Ảnh minh họa
Hoặc mỗi ngày có thể dành 30 phút đến 1 tiếng cùng con đọc sách, tranh ảnh tại nhà. Không chỉ rèn luyện cho con thói quen tốt mà còn giúp gắn kết tình cảm tốt hơn. Thông qua đó, dạy con những điều hay lẽ phải.
4. Nấu ăn
Nhiều cha mẹ thường không cho con trẻ vào bếp vì lo lắng trẻ sẽ gặp nguy hiểm hoặc làm phiền mình nấu nướng. Tuy nhiên, việc cùng con nấu ăn cũng là 1 phương pháp kết nối và giáo dục con rất khoa học.
Thực chất, cho trẻ tham gia lao động đơn giản là rửa rau và nhặt rau sẽ khiến trẻ nhanh nhẹn hơn, biết quản lý và phân chia công việc. Đồng thời, duy trì thói quen này lâu dài còn có thể kích thích sự sáng tạo ở trẻ.
Việc được cùng ba mẹ cùng hoàn thành một món ăn, cùng thưởng thức thành quả sẽ khiến bé càng có hứng thú ăn uống hơn. Tương tác giữa ba mẹ và con cái cũng sẽ được tăng lên và gắn bó nhiều hơn. Trong quá trình đó, trẻ cũng sẽ biết quý trọng đồ ăn, chữa chứng biếng ăn, hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
4. Đi thăm viện bảo tàng
Các viện bảo tàng cũng là nơi khơi dậy hứng thú và cảm hứng của trẻ. Trẻ em cũng dễ bị thu hút bởi những đồ vật thật, nhiều bảo tàng được thiết kế đẹp, đặc biệt để kích thích sự hứng thú, trí tưởng tượng, khả năng quan sát và phân tích của trẻ.
Bảo tàng cung cấp cơ hội cho trẻ em được so sánh và đối chiếu sự thay đổi, phát triển của con người, khoa học trong các thời kỳ lịch sử, đồng thời giúp trẻ có tư duy nhận định tốt hơn về mọi thứ xung quanh. Lúc này, trẻ cũng sẽ học cách đặt câu hỏi và trả lời. Từ đó rèn luyện thói quen tốt khi giải quyết vấn đề, tránh những xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái khi không hiểu nhau sau này.
5. Tập thể dục, chơi thể thao
Các hoạt động chung của các thành viên trong gia đình không chỉ có lợi cho sự phát triển về mặt giao tiếp, cảm xúc của trẻ mà còn cả người lớn nữa. Một trong những việc phù hợp nhất là cùng nhau tập thể dục, chơi 1 môn thể thao nào đó.
Ảnh minh họa
Không phải cha mẹ nào cũng có thể dành thời gian tập thể dục hằng ngày cùng con, nên việc thực hiện nó 1 tuần 1 lần vào mỗi cuối tuần cũng không phải ý kiến tệ. Nên chọn các môn vận động theo nhóm hoặc tốt cho sức khỏe chẳng hạn như leo núi, bóng đá, bơi lội, chạy bộ…
Tất nhiên, việc trẻ tập thể dục không cần quá tập trung vào rèn luyện sức khỏe mà chủ yếu để kết nối gia đình, cho trẻ rèn thói quen tốt, biết coi trọng sức khỏe. Đồng thời cũng khơi dậy hứng thú của trẻ với các hoạt động xã hội, học cách mở lòng mình hơn.
6. Thăm họ hàng, người lớn tuổi
Cần phải vun đắp lòng hiếu thảo của con cái ngay từ nhỏ, tất nhiên là bản thân cha mẹ cũng phải phải làm gương. Mọi lời nói, việc làm, hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái và chúng sẽ bắt chước cha mẹ.
Ảnh minh họa
Hãy gieo vào lòng đứa trẻ những hạt giống của lòng hiếu thảo, đức tính này sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của nó, từ đó cũng giúp chính cha mẹ và con cái gắn kết hơn. Trẻ cũng sẽ học được cách lắng nghe, chăm sóc người khác cũng như được giáo dục về tầm quan trọng của gia đình, các mối quan hệ giữa người với người.
Nguồn và ảnh: Family Doctor, Zhihu, Asia One
https://kenh14.vn/6-viec-cha-me-nen-thuong-xuyen-lam-cung-con-tre-de-gan-ket-tinh-cam-giao-duc-tam-ly-som-va-hinh-thanh-cho-tre-thoi-quen-song-tot-20220629192540885.chn