Đưa tay lên mặt nặn mụn làm tổn thương da nặng hơn. Đồ họa: Doãn Hằng
Hạn chế soi gương
Bắt đầu bằng cách ngừng nhìn vào gương quá thường xuyên và quá nhiều. Mặc dù soi gương là việc làm cần thiết khi trang điểm và tỉa gọn chân mày. Tuy nhiên, những chiếc gương này làm bản thân nhìn rõ khuyết điểm của mình.
Do đó, hạn chế soi gương khi không cần thiết giúp bạn từ bỏ việc đưa tay lên mặt nặn mụn. Tránh nhìn chằm chằm vào gương phòng tắm quá lâu, đặc biệt là ngay sau khi tắm nước nóng.
Cắt và làm sạch móng tay
Giữ móng tay ngắn là một cách khác để ngăn chặn việc đưa tay lên sờ và nặn mụn. Để tránh dùng móng tay nặn mụn, nên cắt hoặc dũa móng tay ít nhất một lần một tuần. Hơn nữa, móng tay ngắn và sạch sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm vùng da bị mụn.
Sử dụng tay cho những việc khác
Nên giữ cho đôi tay bận rộn khi từ bỏ thói quen đưa tay lên mặt. Có thể giữ một quả bóng trong tay hay đơn giản là ra vườn và tưới cây. Cách làm này sẽ đánh lạc hướng đôi tay, ngăn chặn đôi tay đưa lên mặt chạm vào các nốt mụn trong vô thức.
Tập thiền
Ngoài việc giảm căng thẳng, lo lắng và phát triển khả năng tập trung, thiền có thể sử dụng để phát triển các thói quen tốt. Thực hành thiền giúp nhận biết được những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến lo lắng, từ đó, có thể giúp ngừng thói quen đưa tay chạm lên mặt, nặn mụn.
Dùng mặt nạ
Kem hoặc mặt nạ dạng tấm có thể hoạt động như một rào cản giúp da không bị ngứa trong khi làm việc hoặc nghỉ ngơi. Ngoài ra, làn da được nuôi dưỡng sẽ ít bị kích ứng hơn. Mặt nạ làm dịu da cũng có thể giúp giảm kích ứng và viêm sau khi đưa tay lên mặt, nặn mụn làm tổn thương da.
Đi khám bác sĩ da liễu
Việc nặn mụn có khả năng làm chậm quá trình chữa lành, khiến tình trạng mụn tiến triển nặng hơn, dẫn đến các tổn thương mới. Vì vậy, đến bác sĩ da liễu để được điều trị mụn trứng cá hoặc các tình trạng tiềm ẩn khác kịp thời, đồng thời, hỗ trợ từ bỏ thói quen đưa tay chạm vào da mặt.