Trong cuộc sống, người ta thường gắn chữ "lười" với những điều không tốt. Tuy nhiên, lười đúng lúc đúng chỗ, lười có khoa học lại mang đến kết quả hoàn toàn trái ngược.
Độ tuổi 46 đến 55 tuổi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao. Các căn bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, viêm gan... đều dẫn đến nguy cơ suy giảm tuổi thọ. Vì vậy, ở độ tuổi này, chúng ta nên chủ động bảo vệ sức khỏe.
Các chuyên gia khuyên rằng, dù là nam hay nữ, khi bước vào độ tuổi này, tốt nhất là nên "lười" làm 4 việc dưới đây để cơ thể khỏe mạnh.
Lười bật dậy vào buổi sáng
Bật dậy quá nhanh vào buổi sáng là một trong những hành động cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe. Đặc biệt là vào mùa đông. Đây chính là thời điểm các ca cấp cứu tim mạch, mạch máu não tăng cao, tỷ lệ đột quỵ vào sáng sớm cũng tăng hơn. Nguyên nhân là do cơ thể vừa trải qua một giấc ngủ dài, chưa hoàn toàn tỉnh táo. Nếu dậy quá nhanh có thể khiến tim, não bị tổn thương. Vào mùa đông, bạn có thể gặp phải hiện tượng sốc nhiệt.
Người trung niên, người cao tuổi bị cao huyết áp, bệnh tim mạch không nên bật dậy khỏi giường vào buổi sáng để tránh đột quỵ. Thay vào đó, hãy nhắm mắt và nghỉ ngơi thêm 3 phút rồi mới ngồi dậy. Ngồi trên giường thêm 3 phút rồi mới bước chân ra khỏi giường.
Lười ăn mặn
Chế độ ăn nhiều muối không hề tốt với sức khỏe. Nó liên quan đến tình trạng huyết áp cao, bệnh tim mạch. Với phụ nữ, muối chính là thủ phạm phá hủy collagen khiến da chảy xệ, già nua.
Tốt nhất, bạn nên giảm dần lượng muối trong đồ ăn, cố gắng ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe.
Lười ăn nhiều
Ăn quá no sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Hãy lấy ví dụ ở người Nhật - nơi có tuổi thọ trung bình ở nhóm cao nhất thế giới. Một trong những bí quyết sống thọ của họ luôn là chỉ ăn no 7-8 phần. Tức là họ không ăn no hoàn toàn trong bất kỳ bữa ăn nào mà chỉ ăn lưng lửng bụng. Dù thức ăn ngon đến mấy thì đến khi cảm thấy vừa đủ là họ dừng lại để kết thúc bữa ăn.
Ngoài ra, để tránh tình trạng phải cố gắng ăn hết đồ ăn thừa, khẩu phẩn ăn của mỗi người nên được đong đếm hợp lý, đảm bảo mọi người sẽ ăn hết mà không bị no quá.
Lười nổi nóng, lười lo lắng
Tâm trạng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, các cảm xúc tiêu cực như nóng giận sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim mạch, thần kinh, gây tăng huyết áp, co mạch, thiếu máu cơ tim...
Ngoài ra, nóng giận còn có thể gây rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn chức năng tiêu hóa...
Bên cạnh đó, việc lo lắng, bồn chồn cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt là vào buổi sáng, bạn không nên để các nỗi lo khiến mình phải bật dậy một cách bất ngờ. Sáng sớm là thời điểm nhịp thở, nhịp tim, huyết áp tăng. Nếu bạn bật dậy nhanh quá thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí gây ra đột quỵ.