Trang Chủ > Sức khỏe > 4 điều cần tránh trong những ngày nóng đỉnh điểm

4 điều cần tránh trong những ngày nóng đỉnh điểm

Zingnews
26/06/2022 03:23:18

Sau một ngày hạ nhiệt, thời tiết tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục có xu hướng nắng nóng trở lại. Theo dự báo từ trang Accuweather , Hà Nội và khu vực phía Bắc sẽ chuẩn bị đón một đợt nắng nóng mới vào cuối tuần này khi nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 35-37 độ C.

Trong phản ánh của Zing mới đây, vào những ngày nóng đỉnh điểm đầu tuần qua, nhiều cơ sở y tế tại Hà Nội như BV Lão khoa Trung ương, BV Thanh Nhàn, BV Hữu nghị đều ghi nhận số lượng bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu tăng, nhất là nhóm người già, trẻ nhỏ. Theo các bác sĩ, nhiệt độ cao cũng là một phần nguyên nhân cho tình trạng này.

Do đó, để phòng tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe và tránh những thói quen dễ gây tổn thương cho cơ thể trong điều kiện thời tiết hiện nay.

Nhiệt độ điều hòa quá thấp

Trao đổi với Zing , bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết nhiều bệnh nhân có thói quen sử dụng điều hòa ở mức nhiệt thấp trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, hành động này rất dễ dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ,...

“Khi để nhiệt độ điều hòa thấp, chúng ta có thể thấy rất dễ chịu. Tuy nhiên, khi có việc phải ra ngoài, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong phòng điều hòa và bên ngoài có thể gây ra sốc nhiệt. Tình trạng này rất nguy hại cho cơ thể, đặc biệt là người cao tuổi”, vị chuyên gia giải thích.

Theo bác sĩ Khiêm, trong quá trình thăm khám và tìm hiểu thông tin từ bệnh nhân, nhiều trường hợp đang sinh hoạt trong phòng điều hòa mát nhưng sau đó phải ra ngoài sân phơi quần áo, lấy đồ,... khiến cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và phải nhập viện sau đó.

Liên quan vấn đề này, bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cũng nhấn mạnh nguy cơ từ sự thay đổi nhiệt độ đột ngột ở cả 2 chiều.

4 điều cần tránh trong những ngày nóng đỉnh điểm-1

Để nhiệt độ điều hòa quá thấp mang đến nguy hại lớn khi cần ra ngoài. Ảnh minh họa: michu_dang_quang .

“Chúng ta cần tránh thay đổi môi trường cũng như nhiệt độ quá đột ngột trong khoảng thời gian này. Không chỉ từ phòng điều hòa ra, khi vừa trở về từ ngoài trời nắng, mọi người cũng nên tránh vào phòng lạnh ngay”, ông khuyến cáo.

Trong trường hợp này, bác sĩ Thắng cho rằng người dân nên bố trí một phòng đệm trước khi vào môi trường có điều hòa. Cụ thể, mọi người cần ngồi nghỉ ngơi tới khi hết mồ hôi trước khi vào phòng lạnh.

Ngược lại, khi muốn đi từ phòng lạnh ra ngoài, vị chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tắt điều hòa một thời gian trước đó.

Ngoài ra, nhiệt độ điều hòa dù trong thời điểm nắng nóng nhất cũng chỉ nên giữ ở mức 26-27 độ C, thậm chí nâng lên vào ban đêm để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa trong phòng và bên ngoài.

Vị chuyên gia gợi ý người dân có thể mở cửa vào buổi sáng để tạo không gian thông thoáng, sử dụng quạt để đưa gió vào nhà. Buổi chiều, khi nắng nóng đỉnh điểm, chúng ta sử dụng điều hòa ở nhiệt độ vừa phải và quay lại dùng quạt vào buổi tối.

Tắm ngay sau khi trở về nhà

Bên cạnh việc để điều hòa quá thấp, một nguy cơ khác liên quan yếu tố thay đổi nhiệt độ đột ngột chúng ta cũng cần tránh là uống nước đá lạnh hay tắm, thậm chí tắm với nước lạnh, ngay sau khi về nhà từ trời nóng.

Theo bác sĩ Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, việc tắm ngay sau khi trở về từ bên ngoài có thời tiết nắng nóng là điều rất nguy hiểm với cả người trẻ cũng như người cao tuổi.

“Khi hoạt động ngoài trời nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi, thân nhiệt tăng. Lúc này, một số người trẻ có thói quen tắm ngay khi về nhà để có cảm giác thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc làm này khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột, các mạch máu co lại, huyết áp tăng lên, máu không đẩy được tới các cơ quan và dẫn đến tai biến, đột quỵ”, vị chuyên gia giải thích.

Trì hoãn nhập viện vì nóng

Bác sĩ Trần Đình Thắng chia sẻ mới đây, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận ông T.V.K. (75 tuổi, ngụ Hà Nội) có dấu hiệu yếu tay chân, nói khó, cầm nắm đồ vật không chắc vào buổi sáng. Do thời tiết khắc nghiệt, gia đình lên kế hoạch sẽ đưa ông nhập viện vào buổi chiều cùng ngày.

Người đàn ông này có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi nhập viện, do đã quá thời gian vàng của tai biến, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, phải đặt ống nội khí quản và điều trị hồi sức.

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh: “Thời gian vàng đối với đột quỵ là 6 giờ. Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân sẽ có thêm 200 triệu tế bào não bị tổn thương”.

Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo để tránh những biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường ở người bệnh, gia đình nên đưa họ đến cơ sở y tế ngay. Việc chờ đợi tới khi trời hết nắng sẽ gây chậm trễ trong quá trình chẩn đoán cũng như điều trị, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Cho trẻ ra đường khi trời vừa tắt nắng

Tương tự người cao tuổi, trẻ em cũng là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Tuy nhiên, do không muốn con ở nhà quá lâu, nhiều gia đình đã cho trẻ ra ngoài chơi khi trời có dấu hiệu tắt nắng.

4 điều cần tránh trong những ngày nóng đỉnh điểm-2

Không nên để trẻ ra đường ngay khi nắng vừa tắt. Ảnh minh họa: guillaume_de_germain .

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khẳng định việc làm này là không nên. Nguyên nhân là dù nắng tắt, thời điểm này, nhiệt độ từ mặt đường vẫn bốc lên và gây ra cảm giác oi nồng khó chịu.

“Tình trạng này thực tế có thể gây tổn hại cho sức khỏe của các bé nhỏ tuổi rất nhiều”, ông nói.

Do đó, bác sĩ Khiêm cho rằng cha mẹ chỉ nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời đã ổn định ở mức độ cho phép. Ngoài ra, phụ huynh nên đảm bảo cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, đủ chống nóng nhưng phải thấm mồ hôi, tránh việc con bị ngấm ngược mồ hôi vào cơ thể.

“Đây là yếu tố rất dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm đường tai mũi họng cũng như viêm phổi ở trẻ em”, bác sĩ Khiêm khuyến cáo.

Cũng tương tự người lớn hay người cao tuổi, trẻ em cũng cần được cung cấp đủ nước trong cả ngày, tránh mất nước cũng như điện giải khi vận động nhiều.

Nắng nóng, trẻ nhập viện vì viêm phổi tăng

Gần đây, trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tai giữa gia tăng đột biến khi thời tiết nắng nóng.