Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 17/7 và ngày 18/7, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ.
Tại khu vực Hà Nội, hôm nay và ngày 18/7, có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Cảnh báo, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ còn duy trì đến khoảng ngày 19/7 sau có xu hướng giảm dần; Trung Bộ nắng nóng còn có khả năng kéo dài đến ngày 20/7.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong 3 ngày liên tiếp (từ 17/7, chỉ số UV cực đại các tỉnh trên cả nước ít thay đổi và đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (8-10).
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Vì thế, trong hôm nay và những ngày sắp tới, mỗi người cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm, 10g -16g hằng ngày. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo dài màu sậm, đeo kính, khẩu trang và trú dưới bóng râm.
Đặc biệt chú ý phải thoa kem chống nắng, có chỉ số SPF 30+ trước 15 - 20 phút khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2 - 3 giờ phải bôi lại kem chống nắng. Khi dùng phải bảo đảm lượng kem chống nắng vừa đủ. Nếu dùng thiếu, làn da không có tác dụng bảo vệ tối ưu, dùng quá nhiều sẽ gây lãng phí, đồng thời gây bít dính làn da, dễ nổi mụn.
Bên cạnh đó uống đủ nước, bổ sung thêm rau củ quả tươi trong bữa ăn hàng ngày. Vì trong những đợt nắng nóng cao điểm hiện nay, việc sốc nhiệt hoặc gặp các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe như đột quỵ rất dễ xảy ra. Nhất là những người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não… phải đặc biệt chú ý.
Trong các báo động về phân độ tia cực tím từ các Trung tâm Khí tượng thủy văn thường sử dụng thuật ngữ: chỉ số tia cực tím hay còn gọi là chỉ số UV là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Trong đó, nếu:
Chỉ số UV dưới 2: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời ở mức thấp, ít gây tác hại đến con người. Tuy nhiên vẫn có thể gây ra bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 60 phút trở nên mà không có đồ bảo vệ da. Chỉ số này thường vào những lúc sáng sớm hoặc những ngày mát mẻ nhiều mây.
Chỉ số UV từ 3-5: Lượng bức xạ UV ở mức trung bình, nguy cơ gây tổn hại da thấp. Tuy nhiên nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 40 phút trở lên mà không có quần áo che chắn bảo vệ da vẫn có thể bị bỏng da.
Chỉ số UV từ 6-7: Lượng bức xạ Mặt Trời ở mức khá cao, có khả năng gây bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không bảo vệ da. Khung giờ từ 10g sáng đến 16g là khoảng thời gian cường độ UV mạnh nhất trong ngày.
Chỉ số UV từ 8-10: Lượng tia UV rất cao, nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hơn 25 phút mà không có đồ bảo vệ, da sẽ bị bỏng. Mắt sẽ bị rối loạn thị giác (giảm thị lực, chảy nước mắt, sợ ánh sáng…) nếu phơi nắng liên tục từ 6 giờ trở lên mà không đeo kính râm.
Chỉ số UV >10: Lượng tia UV cực kỳ cao, có khả năng bị bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hơn 10 phút mà không có đồ bảo vệ da.