Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện 1 số triệu chứng do lượng đường trong máu cao liên tục, nếu nhận biết sớm những thay đổi này và can thiệp kịp thời thì có thể trì hoãn sự phát triển của bệnh tiểu đường ở mức độ nặng hơn.
1. Da đổ mồ hôi bất thường, tăng sắc tố
Tổn thương da có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể và nhiều giai đoạn khác nhau của bệnh tiểu đường. Các biểu hiện bao gồm tăng tiết mồi hôi trên thân, ít mồ hôi ở tứ chi, da khô và ngứa, nứt nẻ bàn tay, bàn chân và ban đỏ ở mặt trước xương chày trên cẳng chân, dần dần tiến triển thành vùng sắc tố hình tròn.
Cơ chế: Thần kinh không thể điều tiết tuyến mồ hôi một cách bình thường, dẫn đến tuyến mồ hôi tiết ra bất thường. Cùng với tình trạng rối loạn chuyển hóa lâu dài gây ra bệnh vi mạch, bệnh thần kinh, xơ cứng động mạch và nhiễm trùng da, từ đó dẫn đến các tổn thương trên da.
2. Mắt mờ, đau
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể gây mất thị lực, mờ mắt và ở một số bệnh nhân có thể gây suy giảm khả năng nhận biết màu sắc hoặc đau mắt.
Cơ chế: Hiện tượng thấm do màng đáy mắt bệnh nhân dày lên, tắc nghẽn các vi mạch, suy giảm chức năng của hàng rào máu - võng mạc sẽ dẫn đến phù nề võng mạc, lâu ngày hình thành các mạch máu mới.
3. Xương đau, loãng xương
Bệnh tiểu đường kết hợp với loãng xương sẽ gây ra nhiều cơn đau nhức xương, co giật chân tay do tăng đào thải canxi qua đường tiểu. Người bị loãng xương nặng dễ bị gãy xương, nếu vị trí gãy chèn ép cột sống rõ ràng sẽ bị gù lưng, giảm chiều cao.
Cơ chế: Khi kiểm soát đường huyết kém, cơ thể tăng bài tiết đường qua nước tiểu, mất nhiều canxi trong máu theo nước tiểu, ức chế quá trình tạo xương và mức độ chuyển hóa xương thấp; các sản phẩm cuối cùng của glycation có thể làm xương dễ gãy hơn.
4. Loét chân, nhiễm trùng
Các biểu hiện ở bàn chân do đái tháo đường là bệnh loét, nhiễm trùng với mức độ nghiêm trọng khác nhau, tổn thương ở mô mềm hoặc xương khớp bàn chân, trường hợp nặng phải cắt cụt chi. Xác suất loét hoặc hoại tử bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường là 20 đến 30%.
Cơ chế: Các dấu hiệu ở bàn chân là do tác động tổng hợp của bệnh lý thần kinh ngoại biên, nhiễm trùng và hẹp hoặc tắc mạch máu.
5. Miệng: viêm nha chu, áp xe nha chu
Ở những bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém, mô nha chu bị viêm nặng, lợi sưng tấy đỏ, có thể tăng sản hạt, dễ chảy máu, túi nha chu thường tràn mủ, thường xảy ra áp xe nha chu, phá hủy xương ổ răng nhanh chóng.
Cơ chế: Bệnh tiểu đường và bệnh viêm nha chu có mối liên quan với nhau. Môi trường nhiều đường của bệnh nhân tiểu đường sẽ khiến vi sinh vật trong khoang miệng sinh sôi và phát triển nhanh chóng, gây ra nhiều loại bệnh lý răng miệng, nếu không kiểm soát hiệu quả các bệnh lý răng miệng thì tình trạng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
6. Khớp đau, hạn chế vận động
Biểu hiện là đau và sưng khớp, cứng khớp vào buổi sáng, cử động khớp hạn chế.
Cơ chế: Bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh lý thần kinh khớp, dẫn đến rối loạn chức năng, gây tổn thương sụn khớp, phá hủy xương, thậm chí gãy xương.
7. Nước tiểu có bọt, mùi đặc trưng
Tăng bọt trong nước tiểu, tương tự như bọt bia, mùi đặc biệt trong nước tiểu, đi tiểu thường xuyên và liên tục là những biểu hiện của bệnh đái tháo đường.
Cơ chế: Nước tiểu có bọt là do tăng bài tiết albumin trong nước tiểu. Nước tiểu có mùi đặc biệt là vì sự gia tăng lượng xeton do cơ thể sản xuất dưới tác động của tăng đường huyết. Đi tiểu thường xuyên là biểu hiện của bệnh lý thần kinh tự chủ ở hệ tiết niệu.
8. Thường xuyên nấc cụt, tiêu chảy, táo bón
Người bệnh có thể gặp các triệu chứng về dạ dày như khó nuốt, nấc cụt, đầy tức vùng thượng vị, khó chịu ở dạ dày, táo bón, tiêu chảy, rối loạn đại tiện.
Cơ chế: Bệnh thần kinh tự chủ do đái tháo đường có thể biểu hiện ở nhiều hệ thống của cơ thể người, dẫn đến các triệu chứng tương ứng.
9. Tim mạch: hạ huyết áp khi đứng, ngất
Biểu hiện của tiểu đường là hạ huyết áp khi đứng, ngất, chức năng tâm trương và tâm thu bất thường, nhồi máu cơ tim, ngừng tim hoặc đột tử.
Cơ chế: Đái tháo đường là một biến chứng tim mạch vì xơ cứng và hẹp động mạch do tăng đường huyết và lipid máu, cao huyết áp và lắng đọng nhiều lipid, muối canxi ở động mạch vành tim.
10. Rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn chức năng tình dục, nam giới có biểu hiện như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, không xuất tinh, xuất tinh ngược dòng,... Phụ nữ có các triệu chứng như ham muốn tình dục thấp, giảm dịch nhờn âm đạo, rối loạn kích thích tình dục và chứng khó chịu.
Cơ chế: Ở nam giới, rối loạn cương cứng và xuất tinh do bệnh thần kinh tự chủ, rối loạn cương dương do bệnh mạch máu. Ở nữ giới, cơ thể ở trạng thái tăng đường huyết mãn tính, hiệu quả chống oxy hóa trong cơ thể giảm, dẫn đến làm trầm trọng thêm quá trình của bệnh và các rối loạn chức năng tình dục khác nhau.
Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của biến chứng đái tháo đường không rõ ràng hoặc cụ thể, và việc tầm soát bệnh nhân đái tháo đường thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và điều trị biến chứng.