GS.TS Từ Thị Loan.
PV: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về văn hóa, bà có nhìn nhận, đánh giá như thế nào về những hiện tượng xấu đã xảy ra, làm ảnh hưởng đến ngành du lịch nước ta?
GS.TS TỪ THỊ LOAN: Sau một thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cả từ phía chính quyền lẫn cộng đồng đều rất mong muốn phục hồi nhanh chóng du lịch. Về phía du khách, có thể do tâm lý muốn “bung ra”, tận hưởng, bù đắp “những ngày đã mất” cộng với sự nhận thức chưa đầy đủ, tiếp thu sống sượng văn hóa ngoại lai, “vui quá đà” đã dẫn đến gần đây xuất hiện những hành vi lấy danh nghĩa chơi team building để cởi áo ngực bán khỏa thân ở một số bãi biển...
Theo tôi, đây là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, bởi bãi biển là nơi công cộng, không phải sở hữu tư nhân, có nhiều người chứng kiến, trong đó có cả người già, trẻ em. Ở một số nước phát triển có những bãi tắm nude, khu vực dành riêng cho vui chơi, thể thao hở thân, lõa thể, nhưng luôn gắn với các quy định khắt khe về độ tuổi, hành vi, trách nhiệm cá nhân... Còn ở nơi công cộng thì ngay cả ở những nước rất tự do, dân chủ như Hoa Kỳ, Pháp những hành vi khỏa thân, bán khỏa thân nơi công cộng cũng đều bị xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, hành vi “chặt chém” du khách cũng là hành vi thể hiện một trình độ thấp về phát triển du lịch, kiểu làm ăn chụp giật, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, tức thời, mà không thấy hậu quả lâu dài là sẽ mất khách, mất sức hút, mất thương hiệu của điểm du lịch cũng như cộng đồng làm du lịch. Những cách hành xử như vậy chỉ cho thấy một nền du lịch chưa hướng tới phát triển bền vững.
Sinh hoạt tập thể của một đoàn khách du lịch tại biển Nha Trang Nguồn: Việt Travel.
Những hành vi, hình ảnh phản cảm của du khách cũng như việc “chặt chém” du khách sẽ ảnh hưởng như nào đến văn hóa?
-Trên phương diện văn hóa, những hành vi, thái độ, hành xử như vậy đương nhiên có ảnh hưởng. Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, những hình ảnh, thông tin như vậy sẽ phát tán rất nhanh trên mạng xã hội. Bên cạnh bộ phận những người nghiêm túc, có trách nhiệm lên án, phê phán, có không ít ý kiến biện minh, cổ súy, nhất là trong giới trẻ muốn thể hiện tâm lý nổi loạn, khác người, khẳng định bản sắc cá nhân... Qua đó gây nhiễu thông tin hoặc có tác động xấu tới suy nghĩ, hành vi của bộ phận này, đặc biệt là độ tuổi mới lớn, chưa định hình về nhận thức, về tâm sinh lý.
Việc “chặt chém” du khách với những cái giá “trên trời” giúp thu được những mối lợi lớn cũng khuyến khích một bộ phận người dân bắt chước, làm theo. Nguy hiểm hơn, nếu những vụ việc như vậy không được xử lý, ngăn chặn rốt ráo, sẽ tạo tiền lệ cho tình trạng tiếp tục tái diễn.
Ngoài ra, những thông tin, hình ảnh về hành vi phản cảm, thiếu văn minh; việc “chặt chém”, bắt chẹt du khách, ăn cắp, móc túi, lừa đảo, ăn xin, đeo bám du khách... cũng rất dễ lan truyền trên các trang mạng đến du khách nước ngoài, đưa tới một hình ảnh tiêu cực về văn hóa và con người Việt Nam, không có lợi cho quảng bá du lịch của đất nước.
Theo bà cần phải làm gì để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này?
-Đối với những hành vi, ứng xử dạng này rất khó quản lý nếu chỉ bằng con đường tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh các biện pháp “đức trị”, chúng ta cần kết hợp các biện pháp “pháp trị”, xử lý nghiêm bằng pháp luật với những chế tài đủ sức răn đe. Trước đây, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã có chế tài phạt tiền đối với hành vi không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi đông người, địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của cơ quan nhà nước; có cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa nơi công cộng, nhưng đến Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và nhất là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) thì đã không còn những quy định như vậy.
Tương tự là đối với hành vi “chặt chém”, bắt chẹt du khách. Do vậy, sẽ rất khó có căn cứ pháp lý, chế tài để xử phạt. Vì thế, trong thời gian tới, về mặt luật, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tránh những diễn đạt chung chung như ''ăn mặc phản cảm'', “không đúng mực”, ''trái thuần phong mỹ tục'' và có các chế tài xử lý phù hợp... Trong khi chờ đợi, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của các bộ quy tắc ứng xử (Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội...); nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các mạng xã hội để phê phán, lên án, điều chỉnh những hành vi, vi phạm này.
Trân trọng cảm ơn bà!