Trang Chủ > Du lịch > Nỗ lực bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Nỗ lực bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

Hà Nội Mới
24/09/2022 04:48:03

(HNMO) - Diễn biến tình hình kinh tế liên tục biến động tạo nhiều lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tác động bất lợi tới kinh tế và thương mại trong nước. Thực tế này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nắm bắt kịp thời, linh hoạt giải pháp để bảo đảm cung – cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu ở thị trường trong nước, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng.

Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 22-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với tình hình thế giới trước nhiều biến động nhanh và khó lường.

Trong đó với ngành Công Thương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an ninh nguồn cung và kiểm soát tốt giá năng lượng (điện, xăng, dầu); bảo đảm thặng dư thương mại bền vững; thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Nỗ lực bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy xuất khẩu-1

Doanh nghiệp ngành gỗ đẩy mạnh sản xuất, tăng cường xuất khẩu.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Bảo đảm cung cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu

Thực tế, đây cũng là quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, nhằm chủ động đối phó với biến động của kinh tế thế giới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.

Kết quả trong 8 tháng qua đã cho thấy hiệu quả tích cực của sự điều hành này. Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3%, đưa cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Về thị trường trong nước, nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm; hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh. 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021, gần xấp xỉ mức trước dịch Covid-19. Đặc biệt, giá xăng, dầu được điều hành bám sát diễn biến thị trường thế giới, và liên tục giảm so với mặt bằng giá thế giới…

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản được bảo đảm, thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh cũng như đáp ứng các yêu cầu hội nhập.

“Chúng ta ghi nhận những nỗ lực trong việc bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới tăng, lại đứt gãy một số nguồn cung, giúp cho thị trường xăng, dầu trong nước tương đối bình ổn. Đây là một trong những thành công nổi bật từ đầu năm đến nay”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại ấn tượng với tăng trưởng xuất khẩu và tổng mức bán lẻ hàng hóa. Theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tiêu dùng trong nước được mở rộng và tăng trưởng cao, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tiêu dùng của các thị trường thế giới chậm lại do lạm phát, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao là nhờ các giải pháp linh hoạt để tranh thủ ưu thế từ các hiệp định thương mại, đồng thời khai thác thị trường mới phi truyền thống.

Linh hoạt giải pháp

Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại thời gian tới sẽ có những thuận lợi, bên cạnh những khó khăn, thách thức từ tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước. Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm như: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương; theo dõi chặt chẽ các ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình, đẩy mạnh sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu; sẵn sàng các phương án bảo đảm cung ứng đủ điện, than, xăng, dầu… cho sản xuất và sinh hoạt. Hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

Với thị trường trong nước, Bộ Công Thương và các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Các chuyên gia cho rằng, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới đặt ra yêu cầu cần có những thay đổi, linh hoạt hơn nữa trong các giải pháp, điều hành. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất, việc điều hành giá cần kiên quyết, linh hoạt; rà soát, thay đổi cơ chế tính giá cũng như cơ chế giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, bảo đảm cắt giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến thị trường để đưa giá cả hàng hóa giảm tối đa.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, các bộ, ngành cung cấp thông tin mang tính chất dự báo, thông tin chính sách cần kịp thời hơn, giúp doanh nghiệp có thêm căn cứ xây dựng các phương án kinh doanh và phản ứng tốt hơn với thị trường.