Trang Chủ > Du lịch > Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa

Dân Việt
30/08/2022 05:19:48

Giữa nhịp sống hiện đại, đồng bào Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vẫn luôn chú trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua trang phục, tiếng nói, lễ hội, dân ca, dân vũ và các nghi thức truyền thống.

Trong đó, nhảy lửa là một hoạt động độc đáo, mang đậm bản sắc, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần lâu đời.

Nghi lễ nhảy lửa không chỉ thể hiện khát vọng chế ngự thiên nhiên và mong ước về cuộc sống ấm no, làm ăn thuận lợi, bệnh tật đẩy lùi mà còn là “sợi dây” tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp mọi người đoàn kết, gắn bó hơn để cùng nhau xây dựng bản làng, quê hương, đất nước ấm no, hạnh phúc.

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-1

Đồng bào Pà Thẻn quan niệm, bất cứ người nào cũng có thể nhảy lửa nếu họ được các vị thần linh giúp có được sức mạnh siêu nhiên, che chở và bảo vệ họ. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-2

Nghi lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trước đó, những bó củi to được đốt trong nhiều giờ để tạo thành những núi than hồng phục vụ cho nghi lễ nhảy lửa. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-3

Trong phần lễ, vật phẩm dâng cúng bao gồm, cơm, gạo, rượu, gà luộc, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… tất cả được bày trên một bàn gỗ dài. Khi các vật phẩm được chuẩn bị đầy đủ, nghệ nhân sẽ tiến hành phần nghi lễ cúng, cầu xin may mắn, bình an, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc và xin các vị Thần linh, Tổ tiên ban sức mạnh cho người chơi. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-4

Khi nghệ nhân cúng sắp hết bài, những thanh niên tham gia nhảy lửa vào làm thủ tục bằng cách ngồi trên những chiếc ghế thấp trước đống lửa đang cháy rừng rực để thầy cúng làm phép “nhập tâm”. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-5

Khi bài cúng kết thúc, người chơi bắt đầu "nhập tâm", cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí, càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Sau đó họ đứng lên, chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rực. Có người còn nhảy vào giữa đống lửa, lấy chân gạt than ra thành một bãi rộng, đường kính khoảng 1,2m, sau đó quỳ xuống dùng tay bốc đống tro than nóng bỏng dội lên đầu, lên thân, gọi là "tắm lửa". Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-6

Các thanh niên nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Mỗi người thường nhảy lửa được từ 5 đến 7 phút, thậm chí 10 phút. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-7

Từng chùm than đỏ rực được tay trần bốc tung lên giữa nền trời đêm, tạo nên khung cảnh vô cùng rực rỡ và kỳ bí. Tiếng chiêng, trống dồn dập hòa cùng những tiếng reo hò, cổ vũ và sự biểu diễn đầy hăng say của các thanh niên người Pà Thẻn, cứ thế, màn nhảy lửa diễn ra rất lôi cuốn người xem. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-8

Thời gian nhảy trên lửa tùy theo “sức mạnh” được thần linh ban cho. Hết tốp này đến tốp khác, cho đến khi đống lửa tàn hẳn mới thôi. Khi than cháy hết cũng là lúc nhảy lửa kết thúc, nghệ nhân lại làm lễ khấn để tiễn các vị thần linh. Cúng xong, nghệ nhân và những người tham gia nhảy lửa mới trở về trạng thái bình thường. Ảnh: Duy Tuấn

Những chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy múa trong đống lửa-9

Đồng bào Pà Thẻn thường tổ chức lễ hội nhảy lửa vào ngày 16/10 âm lịch hằng năm, khi mùa màng thu hoạch xong. Ảnh: Duy Tuấn

Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn mang màu sắc tâm linh, huyền bí nhưng đậm tính nhân văn.

Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã quyết định công nhận lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình lễ hội truyền thống. Nhảy lửa Pà Thẻn trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng nơi địa đầu tổ quốc.