Đa dạng cách thức quảng bá văn hóa
Với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, độc đáo, người trẻ Việt Nam đang tích cực đóng góp cho công cuộc bảo tồn và quảng bá văn hóa nước nhà, góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Quang Linh tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em tại Angola. (Ảnh: KT)
Phạm Quanh Linh, thường được biết đến qua kênh YouTube Quang Linh là một người Việt sinh sống tại Angola, nổi tiếng với những video quay lại cảnh sinh hoạt, đời sống hàng ngày, các hoạt động chia sẻ, giúp đỡ người dân địa phương. Trong các hoạt động gắn kết với người dân nước sở tại, Quang Linh đã tích cực lan tỏa văn hóa Việt Nam thông qua việc dạy những đứa trẻ Angola nói và hát các ca khúc tiếng Việt, dạy bà con chế biến những món ăn Việt Nam. Anh và những người bạn của mình còn tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, đám cưới kiểu Việt cho người dân bản địa…
Triển lãm “Present from the Past” (Hiện tại từ Quá khứ) tại Sydney (Australia) do Vietnam Centre tổ chức thu hút sự chú ý của người dân bản địa và du khách quốc tế (Ảnh: KT).
Sáng lập bởi ba người Việt sống tại Australia là Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ và Lê Ngọc Linh, Tổ chức phi chính phủ Vietnam Centre là một minh chứng rõ nét cho nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế của thế hệ trẻ. Hoạt động từ năm 2017, Vietnam Centre đã đạt được những thành công nhất định, từ tổ chức thành công các chuỗi dự án, các buổi biểu diễn văn nghệ đến ra mắt sách về văn hóa Việt Nam. Năm 2020, nhóm xuất bản cuốn “Dệt nên triều đại” - cuốn sách song ngữ đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê Sơ tại Australia.
Theo Lê Ngọc Linh: “Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc... có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam”. Các thành viên Vietnam Centre tâm niệm, văn hóa là một thế mạnh giúp đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Để người nước ngoài và kiều bào biết đến Việt Nam là một mảnh đất tươi đẹp, hiếu khách, nhiệm vụ của nhóm là kết hợp với các nhà nghiên cứu, các tác giả, nghệ sĩ trong nước với các đầu mối ở nước ngoài để quảng bá văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Văn hóa – hành trang của người trẻ trong thế kỷ hội nhập
Trần Quỳnh Hương, du học sinh Việt Nam tại Hungary. (Ảnh: Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu)
Khi thế giới ngày càng “phẳng”, người trẻ ngày càng được tiếp cận với nhiều cơ hội để trở thành công dân toàn cầu, thì vai trò của văn hóa, bản sắc dân tộc lại càng được khẳng định.
Tham gia cuộc thi Hương sắc Việt Nam do Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu (VYSEF) tổ chức, Trần Quỳnh Hương, một sinh viên Việt Nam tại Hungary chia sẻ: Văn hóa là điểm tựa giúp cô vượt qua những hụt hẫng do khác biệt văn hóa ở nơi đất khách quê người, đó là hình ảnh áo dài tung bay trong gió Budapest, là cảm nhận lúc người nước ngoài nhận ra và muốn chụp hình với quốc phục Việt Nam. “Mong rằng những phụ nữ Việt tại Châu Âu nói riêng và xa xứ nói chung sẽ luôn trân quý vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của người Á Đông. Bởi lẽ có hiểu, có yêu nét đẹp ấy thì mới lưu giữ được "chất Việt" giữa vô vàn những nét văn hóa của các nước sở tại", Quỳnh Hương nói.
Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022, Á hậu 1 Lê Thảo Nhi chia sẻ khi còn nhỏ, những từ đầu tiên Nhi được học không phải tiếng Đức mà là tiếng Việt Nam. Sinh ra ở Đức nhưng Nhi không bao giờ quên nguồn cội của mình là người Việt Nam. “Ngày hôm nay, tôi tự tin và tự hào nói tôi là người Việt Nam”, Nhi nói tại đêm chung kết cuộc thi.
Á hậu 1 Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 Lê Thảo Nhi (Ảnh: KT).
Trả lời câu hỏi ứng xử từ Miss World 2021 Karolina Bielawska: "Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ mất bản sắc. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?", Huỳnh Nguyễn Mai Phương cho biết: "Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mà các nền văn hóa không ngừng hội nhập để tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc. Hôm qua tôi gặp một người nước ngoài trong thang máy, anh mới ở Việt Nam một tháng nhưng đã nói được câu Xin chào…. Người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn kỷ niệm những ngày lễ truyền thống, ăn những món ăn truyền thống, mặc áo dài truyền thống. Việt Nam đã làm rất tốt việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ những người trẻ nên tự hào về đất nước của mình. Hãy mang những giá trị văn hóa đó giới thiệu đến thế giới, dù bạn đi đến đâu". Văn hóa đã trở thành điểm tựa, niềm tự hào và là hành trang của những người Việt trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hoa hậu quốc tế Việt Nam 2022 Huỳnh Nguyễn Mai Phương (Ảnh: KT).
Định hình thời trang Việt trên bản đồ thời trang quốc tế bằng dấu ấn văn hóa
Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh từng khiến công chúng mộ điệu thời trang trong và ngoài nước nức lòng khi giới thiệu những bộ sưu tập áo dài thổ cẩm đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Hay NTK Công Trí từng đem đến các tuần lễ thời trang nổi tiếng thế giới nhiều bộ sưu tập mang đậm “hồn cốt” Việt trong từng thiết kế tỉ mẩn. Thời trang mang thông điệp văn hóa, chính là mục tiêu ngày càng cao hơn của các NTK, các sự kiện thời trang Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam thu hút bạn bè quốc tế tại Army Games
Những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc độc đáo, những hình ảnh, vật phẩm văn hóa, ẩm thực mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) đã nhận được sự yêu thích và quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế