Theo Stuff , những người trượt tuyết đã "làm gián đoạn hiện tượng tự nhiên" tại hồ Kagami Numa (hay hồ Mắt rồng).
Hồ này nằm ở độ cao 1.613 m và thường bị băng, tuyết bao phủ vào mùa đông. Sang mùa xuân, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, tuyết tan dần, một hòn đảo nhỏ ở trung tâm hồ hiện rõ. Nhìn từ trên cao, nó giống mắt của con rồng.
Năm nay, đến giữa tháng 6, tuyết ở bờ hồ mới tan dần và mắt rồng sẽ sớm hiện ra. Tuy nhiên, nó có thể hiện ra sớm hơn do những người trượt tuyết thiếu ý thức.
Hồ "Mắt rồng" (trái) và hồ Gamanuma đều là khu bảo tồn đặc biệt của Nhật Bản. Ảnh: Hiromi Tamoue.
Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Iwate, vào cuối tháng 5, khi hồ vẫn đóng băng, một số người đã đến đây trượt tuyết. Họ băng qua phần dây ngăn cách ở xung quanh và trượt đến giữa hồ. Điều này khiến tuyết tan nhanh hơn, ảnh hưởng đến quy luật tự nhiên.
Người phát ngôn của đơn vị này cho biết: "Nhiều du khách tới đây để ngắm mắt rồng. Thật buồn khi hiện tượng này đã bị xáo trộn bởi yếu tố con người. Những hành động này cũng rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho người trượt tuyết. Chúng ta cần phải thảo luận thêm về chuyện này".
Hồ Kagami Numa và hồ Gamanuma gần đó đều được Bộ Môi trường xếp hạng khu bảo tồn đặc biệt. Dù việc đến tham quan ở cả hai hồ đều không bị cấm, vụ việc này vẫn được Hiệp hội Du lịch tỉnh Iwate báo cáo lên Bộ để tìm phương án giải quyết.
Theo Stuff , năm nay, tới giữa tháng 6, băng tuyết trên hồ Mắt rồng mới bắt đầu tan. Trong thời gian tới, "mắt rồng" sẽ mở.
Hồ nước hình mắt rồng chỉ xuất hiện một lần trong năm ở Nhật Bản
Hồ Kagami Numa được ví như mắt con rồng vì vẻ đẹp hiếm có vào mùa xuân. Nếu đến thăm vào thời điểm không thích hợp, hồ nước cũng giống như bất kỳ địa điểm khác.