Cuối năm 2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục phối hợp các sở, ngành, TP.Thủ Đức, 21 quận, huyện tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch, xem đây là chìa khóa, động lực gia tăng sự hấp dẫn của điểm đến. Chiến lược này đã giúp TP.HCM khai thác tiềm năng du lịch, những tour du lịch độc đáo, mới lạ ra đời.
Tour đa dạng, đẳng cấp
Ngoài những tour truyền thống đã được khai thác từ nhiều năm qua, TP.HCM hiện có nhiều tour mới, chương trình khám phá các điểm đến hấp dẫn như: tour Lắng nghe hơi thở của rừng để khám phá, trải nghiệm du lịch Cần Giờ; Về miền đất Thép Củ Chi; Bình Chánh những điều chưa kể; Từ Sài Gòn xưa đến TP.HCM nay - khám phá khu trung tâm thành phố; TP.Thủ Đức bên dòng sông xanh hay Hóc Môn trên bến dưới thuyền,…
Mới đây, bà Phan Thị Thắng, Sở Du lịch TP.HCM cũng cùng đoàn đi khảo sát tour du lịch Q.5: Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn; Tân Phú - Đi là nhớ. Bên cạnh đó, Q.3, Q.12, Q.Gò Vấp, Tân Bình cũng đang hoàn thiện các sản phẩm du lịch để chuẩn bị đưa vào tour phục vụ du khách.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, thời gian qua chùm tour Tôi yêu Sài Gòn, gồm các sản phẩm như: Sài Gòn rong ca chiều thứ bảy, Sài Gòn di sản ngàn năm, Biệt động Sài Gòn,… thu hút đông đảo du khách.
Theo bà Thanh Trà, 6 tháng cuối năm, công ty sẽ tiếp tục quảng bá chùm tour trên cũng như các sản phẩm du lịch của các quận, huyện với khách quốc tế đến Việt Nam. “Các sản phẩm trong chùm tour trên tuy trong nửa hoặc 1 ngày nhưng mang đến sự hài lòng và được người dân TP.HCM, khách đến từ các tỉnh, thành lựa chọn. Chúng tôi mong Sở Du lịch và các doanh nghiệp khác cùng kết hợp để các sản phẩm du lịch TP.HCM được lan tỏa hơn nữa”, bà Thanh Trà nói.
Tour Sài Gòn rong ca chiều thứ bảy thu hút cả người dân TP.HCM và du khách trong, ngoài nước Ảnh: Diệu Mi
TP.HCM - điểm đến hấp dẫn
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist thì nhận xét, mỗi quận, huyện ở TP.HCM đều có những đặc trưng riêng để thu hút du khách. Cụ thể, Q.1 có nhiều công trình văn hóa lịch sử, du khách có thể trải nghiệm, giải trí, mua sắm; Q.3 có du lịch ẩm thực, mua sắm; Q.4 có thế mạnh du lịch văn hóa - lịch sử, ẩm thực; Q.5 là thế giới ẩm thực với không gian văn hóa của người Hoa; Q.12 là đô thị ngoại thành với sông nước, sinh thái, văn hóa;… cho đến các H.Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ hay Q.Bình Thạnh, TP.Thủ Đức đều có những nét đặc trưng riêng biệt.
“Chúng ta có thể xem xét mở các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về du lịch cho lãnh đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức của TP.HCM trong việc chủ động đánh giá tính khả thi, xây dựng sản phẩm du lịch địa phương, góp phần tạo sự đột phá mạnh mẽ cho du lịch TP”, ông Mẫn đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chiến lược mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch là một nỗ lực của thành phố trong việc khai thác những giá trị lịch sử, những điểm đến hấp dẫn nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, để có thêm những tour tuyến, điểm đến mới, hấp dẫn, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực xây dựng những sản phẩm độc đáo, khác biệt nhằm thu hút khách trong nước và khách quốc tế.
"Qua những đợt khảo sát, những tour tuyến mới được xây dựng cho thấy du lịch TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Chiến lược biến TP.HCM thành điểm đến hấp dẫn, dù là khó khăn, lội dòng nước ngược nhưng chúng tôi thấy đang đi đúng hướng. Bởi muốn thu hút du khách phải có sản phẩm mới hơn, hấp dẫn và hiện TP.HCM đã có rất nhiều chất liệu cho việc xây dựng sản phẩm du lịch", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ.