(HNMO) - Nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đẹp như một bức tranh thủy mặc với núi đồi bao bọc, nước sông trong xanh. Những căn nhà sàn bình dị và nếp sinh hoạt văn hóa hồn hậu của đồng bào Thái ở bản Mạ đã hấp dẫn khách du lịch khi đến với Thanh Hóa.
Bản Mạ nằm hiền hòa bên sông Chu. Để đến với bản Mạ, du khách đi bộ qua chiếc cầu treo, có thể ngắm nhiều cảnh đẹp từ đây.
Nét riêng bản Mạ
Từ trung tâm thị trấn Thường Xuân theo hướng về hồ thủy điện Cửa Đạt, du khách sẽ bắt gặp điểm du lịch cộng đồng bản Mạ. Bản Mạ xưa kia bị “chia cắt” bởi dòng sông Chu, khiến cho việc giao thương với bên ngoài gặp nhiều khó khăn.
Từ khi cây cầu treo bản Mạ được xây dựng và đưa vào sử dụng, cuộc sống của người dân đã đổi khác. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, cây cầu còn là điểm nhấn độc đáo trên hành trình của du khách đến với bản Mạ. Dạo bước trên cầu vào bản, du khách được ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên thơ mộng, quyến rũ.
Qua cầu treo, bản Mạ hiện ra xinh xắn. Những ngôi nhà sàn của người Thái ẩn nấp trong núi và những thửa ruộng bậc thang dễ khiến du khách tìm được cảm giác bình yên, dễ chịu. Tại đây, người dân vẫn chủ yếu sinh sống tự cung, tự cấp, trồng lúa, ngô, chăn nuôi để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Là một bản người Thái đặc trưng, nên khi khám phá bản Mạ, du khách không chỉ được đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được tìm hiểu, khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Trong đó, ẩm thực ở bản Mạ là một trong những điểm nhấn đáng lưu ý, với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, như: Xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt nướng mắc khén, tôm sông, các loại rau rừng…
Ở bản Mạ, còn lưu giữ số lượng lớn nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái. Sau những vất vả lao động ban ngày, đêm xuống, người dân lại tập trung bên bếp lửa tại những ngôi nhà truyền thống để hát cho nhau nghe, hay đánh cồng chiêng trong dịp lễ, Tết của bản làng.
Nhiều nếp nhà của người Thái nằm ẩn hiện trong thiên nhiên hữu tình.
Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Với những tiềm năng thiên nhiên, văn hóa độc đáo hiện có, huyện Thường Xuân đã tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại bản Mạ để thu hút khách du lịch. Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bản Mạ được xác định là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng nổi bật của huyện.
Theo đó, hạ tầng trong thôn được bê tông hóa sạch sẽ, giúp cho việc đi lại được thuận tiện; 100% các gia đình trong thôn đều có điện nước đầy đủ, hợp vệ sinh; sóng điện thoại, mạng internet cơ bản được phủ khắp... Một số hộ gia đình được chọn đầu tư thành nơi đón tiếp những khách đoàn đông.
Là một trong số những hộ gia đình đầu tiên trong bản Mạ làm du lịch cộng đồng, anh Lữ Văn Tính, chủ Homestay ẩm thực Tính Tuyến chia sẻ: “Việc phát triển du lịch cộng đồng đã khiến cho cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều. Chúng tôi không chỉ lo trồng trọt, chăn nuôi mà đã học cách làm du lịch để phục vụ khách phương xa. Cả gia đình đều phải học cách ứng xử, giao tiếp với khách, nâng cấp dịch vụ, chế biến món ăn sao cho vừa giữ được hương vị bản địa, vừa phù hợp với khẩu vị của khách”.
Chị Vi Thị Phương, thành viên của đội văn nghệ bản Mạ thường xuyên biểu diễn cho du khách, chia sẻ, hằng ngày, chị cùng phụ nữ trong bản vẫn lên nương đi cấy, nhưng đến tối họ lại tô điểm thật đẹp để biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.
“Chúng tôi được dạy lại những điệu múa và bài hát Thái cổ để trình diễn cho du khách. Hồi đầu, ai cũng ngại và lúng túng, nhưng giờ đây chúng tôi đã rất tự tin và vui, vì đã góp phần giới thiệu văn hóa đặc sắc của người Thái với du khách”, chị Vi Thị Phương nói.
Đồng bào dân tộc Thái ở bản Mạ biểu diễn các điệu múa, bài hát cổ của người Thái để phục vụ du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Đứng cho biết, bản Mạ nằm ngay bên đường lớn, thuận tiện giao thông, cách thành phố Thanh Hóa chỉ hơn 60km, lại sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và không gian văn hóa đặc sắc... Đó là những điều kiện cần để phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, du lịch bản Mạ vẫn còn một số hạn chế, như trang thiết bị phục vụ cho hoạt động lưu trú, ăn uống, trải nghiệm còn thiếu, chưa thực sự đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp. Cùng với đó, kỹ năng ứng xử, đón tiếp du khách, ngoại ngữ vẫn cần phải trau dồi, bổ trợ thêm.
“Chúng tôi đang yêu cầu địa phương tích cực hỗ trợ người dân các kỹ năng đón tiếp khách, bảo vệ môi trường cảnh quan, trồng thêm nhiều cây xanh, hoa tươi để làm đẹp cho bản. Huyện sẽ cố gắng kết nối thêm các tuyến điểm du lịch khác của Thanh Hóa, như: Pù Luông, hồ thủy điện Cửa Đạt, khu di tích quốc gia Lam Kinh… để xây dựng thêm sản phẩm du lịch cộng đồng mới, hấp dẫn du khách”, ông Cầm Bá Đứng cho biết.