Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự - chốn bồng lai tiên cảnh
Cách Hà Nội khoảng 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nằm trọn trong lòng dãy núi Phi Lai (thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Chùa tựa lưng vào núi. Núi mang thế ngai vàng, hai bên là tả thanh long, hữu bạch hổ.
Cách Hà Nội khoảng 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: Thanh Tùng.
Núi cõng rừng già trên lưng, cõng những hoang sơ, tươi mát tựa thuở ngàn năm thiên nhiên ngưng tụ, cõng những bí mật về lịch sử nghìn năm trước cả thời đại Lý – Trần của dân tộc.
Toàn cảnh ngôi cổ tự giữa núi rừng bao quanh. Clip: Thanh Tùng.
Thôn Ninh Trung xưa có tên gọi là Thôn Đùng – lấy theo tên gọi của chùa Đùng – ngôi chùa to và rộng tới hơn 100 gian. Tuy nhiên, theo thời gian, kiến trúc cảnh quan bị bào mòn, không được tu tạo, cây cối mọc hoang vây kín nên chùa Đùng dường như bị bỏ quên, xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên chùa thành Địa Tạng Phi Lai Tự.
Một góc chùa Địa Tạng Phi Lai Tự. Ảnh: Thanh Tùng.
Theo lời kể của người dân và qua tìm hiểu, chùa Đùng được xây dựng khoảng thế kỷ 10 với 120 gian chùa cổ. Rất nhiều đời vua chúa đã về đây. Đến khoảng thế kỷ thứ 17, vua Tự Đức đã về đây cầu con, và khi xuống đến chân núi, nhà vua có nói: Phi Lai. Nghĩa của từ này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Chùa được đặt tên mới là chùa Địa Tạng Phi Lai Tự – có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này.
Trên đỉnh Phi Lai có tháp Phổ Đồng, là nơi yên nghỉ của hơn 40 đời tổ sư được xây dựng vào thời Lý – Trần. Dưới chân tháp, phía tiếp nối sau làng Đùng là làng Tháp.
Những mái chùa lợp ngói quen thuộc tại ngôi cổ tự ngàn năm tuổi. Ảnh: Thanh Tùng.
Người dân vẫn truyền nhau về tên gọi của làng Tháp xuất phát từ việc tháp Phổ Đồng được đặt trên đỉnh núi cao, khi nắng chiều chiếu vào đỉnh tháp thì bóng tháp đổ xa vút tầm mắt, ra khỏi làng Đùng chạm sang làng bên cạnh nên làng bên cạnh đó được đổi tên là làng Tháp.
Sau chiến thắng quân Chiêm Thành, các tù binh được đưa về chùa Đùng xây dựng tháp nên gạch ngói nơi này mang kiến trúc Chăm-pa rõ rệt. Nhiều mẫu gạch cổ sau mưa gió phát lộ, thi thoảng vẫn được sư thầy và các chú tiểu ở chùa tìm thấy và lưu giữ cẩn thận.
Hiện nay, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là nơi lưu dữ nhiều tượng Phật, bảo vật có giá trị lịch sử to lớn. Ảnh: Thanh Tùng.
Các mẫu gạch ngói tìm thấy được ở chùa Địa Tạng Phi Lai Tự gồm: Gạch in hình hoa sen, ngói mũi hài, các viên gạch hình rồng, hình thần chim Garuda, bia đá viền khắc hình công phượng và người Việt xưa, cùng nhiều đồ gốm sứ khác.
Đến nay, số lượng cổ vật phát lộ và tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa tương đối nhiều. Cảm được ý các bậc tiền nhân đi trước muốn nói với các thế hệ hậu sinh về lịch sử ngôi chùa, lịch sử mảnh đất Thanh Liêm để không bị mai một, sư thầy trụ trì trưng bày những cổ vật này trong gian trà thất nhỏ ở chùa, cho ai có duyên về chùa thưởng trà cùng chiêm ngưỡng.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự - Điểm đến yên bình thu hút đông đảo du khách tìm về thưởng ngoạn
Hiện nay, chùa thường xuyên thu hút đông đảo du khách tìm đến để thưởng ngoạn cảnh quan cũng như đi tìm lại những khoảnh khắc thanh bình trong góc khuất tâm hồn giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ thanh vắng.
Rất nhiều du khách khi đến đây đã ngỡ ngàng và thích thú bởi kiến trúc của chùa Địa Tạng Phi Lai Tự cũng như vây quanh xung quanh là một màu xanh ngăn ngắt, mát rượi của cây cối.
Du khách, phật tử về với chùa Địa Tạng Phi Lai Tự. Ảnh: Thanh Tùng.
Về thăm chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, Phật tử được thả hồn mình vào không gian tĩnh tâm, thanh tịnh. Ảnh: Thanh Tùng.
Chẳng cần phải đi đâu xa, du khách có thể về thăm chùa Địa Tạng Phi Lai Tự để tạm dời xa những ồn ào, tập nập của cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Thanh Tùng.