(HNMCT) - Không chỉ là một vùng đất cổ gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) còn mang vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ đặc trưng của non nước Cao Bằng. Đặt chân đến mảnh đất này, du khách không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp tựa bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên ban tặng cho Đàm Thủy, để rồi cứ lưu luyến với miền biên viễn...
Xã Đàn Thủy nhìn từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Gốc.
“Bức tranh thủy mặc” trên sông Quây Sơn
Nằm ở phía đông bắc, cách thành phố Cao Bằng khoảng 80km, xã Đàm Thủy là một trong những vùng phên giậu của Tổ quốc khi nằm trên con đường vành đai biên giới dài gần 100km chạy qua địa bàn huyện Trùng Khánh nối các xã Ngọc Côn, Đàm Thủy, Đình Phong; giáp Trung Quốc với trập trùng những dãy núi đá tai mèo. Chạy song song với con đường này là dòng Quây Sơn xanh biếc, len lỏi chảy qua những bản làng của người Tày, Nùng và những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như những đợt sóng vô tận...
Cảnh quan thiên nhiên nơi đây đẹp tựa một bức tranh thủy mặc. Sông Quây Sơn đoạn chảy qua xã Đàm Thủy là điểm khởi đầu của thác Bản Giốc, gồm thác chính và thác phụ. Trong đó, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, còn thác chính nằm ở khu vực biên giới Việt - Trung, gồm 3 tầng, rộng 300m, cao hơn 30m. Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, là thác nước nằm trên đường biên giới lớn thứ 4 thế giới và lọt top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Năm 1998, thác Bản Giốc đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đây là điểm nhấn và là biểu tượng du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Đến với Đàm Thủy, du khách không nên bỏ qua Danh thắng quốc gia động Ngườm Ngao, chỉ cách thác Bản Giốc chưa đầy 3km. Hang động này dài khoảng 2km, phát triển trong núi đá vôi có chứa nhiều thạch san hô, được tạo thành ở vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Bên trong động là vô vàn nhũ đá, được người dân gọi tên theo hình dáng và màu sắc như: Thác vàng, cây bạc, ruộng bậc thang, núi lửa, đài sen và cột đá cô đơn... Sau nhiều năm khai thác tuyến 1 động Ngườm Ngao, tháng 4-2021, Công ty Cổ phần Du lịch Cao Bằng đã đưa vào phục vụ tuyến số 2: Khám phá động Ngườm Ngao - bản Thuôn với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm.
Ngoài ra, xã Đàm Thủy còn được biết đến với chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn qua bao đời. Hầu hết những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng đều hội tụ tại Đàm Thủy, tạo nên nét hấp dẫn đặc trưng riêng có của nơi này.
Khai thác tiềm năng du lịch biên giới
Việc nằm ở vị trí biên giới vừa là thách thức, vừa mang lại những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho xã Đàm Thủy. Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Du lịch Việt Đà (thành phố Đà Nẵng) Đinh Văn Lộc chia sẻ: “Mặc dù đã đi nhiều nơi nhưng vùng đất biên cương này để lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Tôi ấn tượng với tuyến trải nghiệm mới tại động Ngườm Ngao và phong cảnh kỳ vĩ, thơ mộng của thác Bản Giốc. Nơi đây có thể phát triển du lịch khám phá hang động như Quảng Bình nếu biết cách làm. Bên cạnh đó, Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky cũng là điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là khách miền Trung và khách nước ngoài khi hoạt động du lịch quốc tế dần hồi phục”.
Là địa bàn trực tiếp quản lý các điểm đến quan trọng trên, lại có 17,5km đường biên giới với Trung Quốc nên cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy luôn quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tham gia đầu tư, phát triển du lịch và bảo vệ, giữ vững an ninh trật tự tại vùng biên.
Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La cho biết: “Những năm gần đây, du lịch đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho vùng đất này. Cuộc sống của người dân được nâng cao nhờ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và nông sản của địa phương. Được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nên lượng khách du lịch đến với xã liên tục tăng trong thời gian qua”.
Cũng theo ông Lương Văn La, vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn tổ chức các hoạt động, sự kiện, đặc biệt là Lễ hội du lịch thác Bản Giốc gắn với sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nên địa phương đã thu hút khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm (không kể thời điểm dịch Covid-19).
“Những hoạt động như vậy vừa góp phần phát triển du lịch, vừa là cách để khẳng định chủ quyền đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho người dân và du khách. Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng tuyến du lịch Vành đai biên giới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trật tự vùng biên” - ông La chia sẻ.