Chuyên gia đề cao vai trò của toàn xã hội trong việc sửa chữa, bảo tồn giá trị của "Con đường gốm sứ".
Con đường gốm sứ Hà Nội - Bài 1: Đã trùng tu nhưng 'đâu vẫn hoàn đấy'
Bên cạnh việc sửa chữa, bảo dưỡng, các cơ quan quản lý cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về ý thức bảo vệ những bức tranh gốm và không gian cạnh “con đường gốm sứ”.
Lưu giữ nhiều nét văn hóa
Bắt đầu thực hiện từ năm 2008, “con đường gốm sứ” được xây dựng dựa trên ý tưởng của nhà báo Thu Thủy. Với mong muốn biến những mảng tường bê tông dọc đê sông Hồng thành một công trình đẹp mang ý nghĩa văn hóa – xã hội, “con đường gốm sứ” góp phần tô điểm thêm cảnh sắc Thủ đô vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đi vào hoạt động, trong suốt 11 năm qua “Con đường gốm sứ” không chỉ truyền tải những thông điệp văn hóa, lịch sử của đất nước qua các thời kỳ mà còn lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật độc đáo của các tác giả trong và ngoài nước.
Hình ảnh "Con đường gốm sứ" trước khi trở nên nhếch nhác, xuống cấp.
Với giá trị vốn có, mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội đều nghe đến “con đường gốm sứ” dài gần 4 km chạy ven đê sông Hồng từ các phố Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải. Nhiều người khi đến Thủ đô cũng tìm đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác từ các mảnh gốm do các nghệ sĩ, nghệ nhân vất vả tạo nên.
Với giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa to lớn, “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là điểm dừng chân thú vị của du khách mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.
"Con đường gốm sứ" vốn mang nhiều giá trị lại trở nên bong tróc, nhếch nhác sau 4 năm đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công trình nghệ thuật đặc biệt này đang có dấu hiệu xuống cấp. Gốm ghép bị bong tróc, rơi rụng từng mảng, bức tường xây thêm bị nứt vỡ. Tình trạng tranh ghép nhếch nhác, ố vàng, bốc mùi xú uế xuất hiện ở nhiều đoạn khiến người dân không khỏi xót xa, tiếc nuối cho một công trình nhiều ý nghĩa.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Nhìn nhận về sự xuống cấp của công trình, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, việc xuống cấp của con đường gốm sứ vốn đã xuất hiện từ lâu.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến “con đường gốm sứ” dù đã trùng tu đến 2 lần vẫn tiếp tục xuống cấp đó là xuất phát từ yếu tố ngoại cảnh và nội tại.
““Con đường gốm sứ” xuống cấp có thể do tác động của thời tiết (nắng, mưa, độ ẩm, rêu mốc...) hoặc sự thay đổi khắc nghiệt của môi trường cũng là nguyên nhân khiến các mảnh gốm bị phai màu, bong tróc nếu vật liệu không đủ chắc chắn để níu giữ. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là ngoại cảnh tác động vào.
“Con đường gốm sứ” trở nên xuống cấp trầm trọng dù đã được duy tu, sửa chữa một phần do ý thức của con người.
Thực tế, “con đường gốm sứ” trở nên xuống cấp trầm trọng dù đã được duy tu, sửa chữa chính do yếu tố nội tại. Nhìn nhận một cách khách quan, chính quyền sở tại chưa có biện pháp quản lý triệt để “con đường gốm sứ” bên cạnh đó là nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình có ý nghĩa.
Tất cả những yếu tố trên, mỗi thứ một chút là nguyên nhân khiến biểu tượng văn hóa Thủ đô trở nên nhếch nhác, khó lòng cứu chữa”, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xuống cấp tại “Con đường gốm sứ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đề cao vai trò của toàn xã hội trong việc bảo tồn công trình.
Muốn “cứu” toàn bộ công trình gốm sứ nhất thiết cần đến công cuộc xã hội hóa, sự chung tay của toàn xã hội.
“Muốn “cứu” toàn bộ công trình gốm sứ nhất thiết cần đến công cuộc xã hội hóa, sự chung tay của toàn xã hội. Nghĩa là, bên cạnh việc sửa chữa, bảo dưỡng, các cơ quan quản lý cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về ý thức bảo vệ những bức tranh gốm và không gian cạnh “con đường gốm sứ”.
Lúc này, vai trò của Nhà nước, đơn vị quản lý sẽ phải đi đầu, mỗi người dân cần có nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành những quy định đó. Song song với việc nâng cao nhận thức của họ trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị của công trình mang bộ mặt của người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Đồng thời cơ quan chính quyền sở tại cần siết chặt hơn các quy định, có các chế tài nhằm xử phạt, răn đe những trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.
Những mảng vỡ kéo dài cũng là nguyên nhân khiến "con đường gốm sứ" xuống cấp trầm trọng.
Theo một số chuyên gia am hiểu lĩnh vực kiến trúc, việc các mảng tranh gốm bị xô lệch, bung, nứt dù đã được trùng tu, bảo dưỡng xuất phát từ người thi công công trình. Chính vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cũng cần có phương án khắc phục tình trạng trên, chú trọng việc tìm vật liệu kết dính công nghệ mới để xử lý những mảng bị bong, neo gia cố định mặt sau để tránh tình trạng nay gắn, mai bong. Thậm chí có thể liên hệ lại với đơn vị thi công công trình để cùng nhau tìm ra phương pháp sửa chữa thích hợp.
Họa sĩ Trần Nguyên cho rằng, UBND TP Hà Nội cần áp dụng các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng hiệu quả.
Nêu giải pháp để "cứu vãn" tình trạng xuống cấp trầm trọng tại "Con đường gốm sứ", họa sĩ Trần Nguyên cho rằng UBND TP Hà Nội cần áp dụng các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần có kế hoạch dài hạn cho việc vệ sinh bề mặt công trình cũng như cắt tỉa hoa, cây cảnh hằng ngày. Điều này không chỉ nhằm hạn chế tác động của ngoại cảnh mà còn cả những tác động nội tại lên bề mặt bức tranh gốm.
Họa sĩ Trần Nguyên đề xuất UBND thành phố hoặc chính quyền sở tại đặt hệ thống thùng rác dọc “Con đường gốm sứ” để tránh việc người dân vứt rác bừa bãi quanh khu vực gây mất mỹ quan đô thị.