Cô gái khuyết tật chinh phục Hà Giang theo một cách đặc biệt
Mong muốn chào đón tuổi mới theo cách đặc biệt, chị Dương Thanh Nga (30 tuổi, ở Gia Lai) quyết định vượt hàng trăm cây số đến Hà Giang để khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc vào tháng 5 vừa qua.
Chuyến đi này, chị Nga có chút lo lắng xen lẫn háo hức bởi hành trình dài gần 1.400km với nhiều cung đường, con dốc hiểm trở, quanh co.
Chỉ cần chinh phục được Hà Giang, chị sẽ tự tin chinh phục được nhiều điểm đến "khó nhằn" khác, vượt qua giới hạn bản thân - điều mà mọi người vốn chẳng tin cô gái khuyết một chân có thể làm được.
Chị Thanh Nga - du khách đến từ Gia Lai vừa có chuyến đi khám phá Hà Giang mừng sinh nhật tuổi 30 (Ảnh: Thanh Nga).
Mùa hè năm 2020, sau một lần bị ngất khi làm việc, chị Nga được đưa vào bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán cô gái trẻ mắc bệnh ung thư xương, phải tháo một bên khớp háng.
"Lúc ấy, cả thế giới như sụp đổ, đầu óc tôi quay cuồng, tối sầm lại khi biết tin mình từ nay vĩnh viễn mất đi một chân. Không chỉ lo sợ việc di chuyển khó khăn, tôi còn tiếc nuối những dự định dở dang khác và cả công cuộc làm mẹ của một cô con gái nhỏ cần chăm lo", chị Nga nhớ lại.
Để tránh di căn và có thêm nhiều thời gian ở bên gia đình và bè bạn, cô gái trẻ khi ấy quyết định phẫu thuật ngay. Trước khi lên bàn phẫu thuật, chị cố ngắm nhìn đôi chân trọn vẹn lần cuối, giữ tâm thế thoải mái rồi từ từ chìm vào trạng thái hôn mê.
Tỉnh dậy, nhìn một chân không còn nữa, chị Nga thấy hụt hẫng và lặng buồn. Khó khăn nhất là khi chị phải chống chọi với những cơn đau hậu phẫu "như chết đi sống lại" do hết thuốc tê hay những ngày mất ngủ triền miên vì nhức mỏi. May mắn, có gia đình bên cạnh luôn an ủi, cô gái trẻ nỗ lực tự phục hồi và dần ổn định cuộc sống.
Sau khi vết thương lành lại, chị Nga trở về với bộ môn yoga - phương pháp tập luyện trước đó mà bản thân rất đam mê. Thời gian rảnh, chị cũng tranh thủ tập guitar, đọc sách,...
Sau biến cố ở tuổi 28, chị Nga tiếp tục duy trì đam mê đi du lịch khắp nơi, giúp cuộc sống thêm nhiều màu sắc (Ảnh: Thanh Nga).
Dần dần, khi có thể thích nghi và di chuyển tốt với nạng hay biết cách giữ thăng bằng với một chân, cô gái trẻ lấy lại năng lượng, thực hiện nhiều chuyến du lịch tới Đà Lạt, Vũng Tàu, TPHCM...
Mới đây nhất, chị Nga thực hiện chuyến đi đến Hà Giang trong 3 ngày 2 đêm, một mình chinh phục nhiều tọa độ check-in nổi tiếng. Đây không chỉ là hành trình xa nhất chị từng trải nghiệm mà còn trở thành cột mốc mới, đánh dấu nghị lực của cô gái khuyết một chân.
Cô gái khuyết tật trải nghiệm Hà Giang
cùng lịch trình di chuyển chi tiết
Ngày 1 : Di chuyển từ Gia Lai đến Hà Nội bằng máy bay rồi đi xe khách tới TP. Hà Giang. Từ trung tâm thành phố di chuyển bằng xe máy đến huyện Đồng Văn, chinh phục các con dốc nổi tiếng như dốc Quản Bạ, dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh. Sau đó tham quan ngôi làng xinh đẹp trong phim "Chuyện của Pao", tìm hiểu về lịch sử của dinh thự họ Vương.
Buổi tối nghỉ ngơi tại homestay ở Đồng Văn, thưởng thức rượu ngô men lá và món lẩu gà đen H'mông.
Trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế, ngắm cảnh quan đẹp mê hoặc hai bên bờ khiến chị Nga nhớ mãi (Ảnh: Thanh Nga).
Ngày 2 : Chinh phục cung đường dẫn lên mỏm đá tử thần và mỏm đá rồng A Páo. Sau đó đi đèo Mã Pí Lèng và sông Nho Quế.
Buổi chiều di chuyển về bản Du Già, thưởng thức những món ngon địa phương như gà đồi, thịt lợn bản, thịt trâu rừng gác bếp,...
Ngày 3: Ghé thăm làng dệt Lùng Tám, tìm hiểu quá trình làm thành sợi vải từ cây lanh và sản xuất ra những bộ trang phục truyền thống rực rỡ màu sắc. Sau đó ngược về bản Du Già, đi qua các cung đường rất đẹp để quay lại thành phố Hà Giang.
Lần đầu đặt chân đến Hà Giang, chị Nga đã mê mẩn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở nơi đây (Ảnh: Thanh Nga).
Du khách đến từ Gia Lai check-in ở Mã Pí Lèng - nơi được mệnh danh Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam (Ảnh: Thanh Nga).
Hà Giang vốn là điểm đến được giới phượt khắp cả nước yêu thích bởi khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, xinh đẹp. Đặc biệt với những người ưa mạo hiểm, đây là nơi họ có thể chinh phục thử thách qua loạt cung đường, đèo ngoằn ngòeo.
Với người bình thường, việc chinh phục vùng địa đầu Tổ quốc vốn đã khó thì với Nga, điều này càng trở nên bất khả thi. Khi cô gái trẻ thông báo sẽ đi Hà Giang, nhiều người bảo cô bị "khùng", chẳng ai tin cô có thể khám phá nơi núi cao, nhiều địa hình khó.
Chị Nga choáng ngợp trước những cung đường, đèo ngoằn ngòeo, dài hàng chục cây số ở Hà Giang (Ảnh: Thanh Nga).
Cô gái trẻ chụp hình trước "Nhà của Pao" (Ảnh: Thanh Nga).
Thậm chí, một số du khách thấy Nga chống nạng dò từng bước trên đường dốc trơn trượt để xuống sông Nho Quế thì ra sức khuyên can. Cô gái đến từ Gia Lai chỉ mỉm cười, tiếp tục đi trong ánh mắt dè chừng của những người còn lại. Cô đặt mục tiêu nhất định phải xuống được dòng sông thơ mộng này để trải nghiệm đi thuyền, ngắm cảnh quan kỳ vĩ.
"Vượt hàng nghìn cây số tới Hà Giang, tôi không muốn bỏ cuộc hay lãng phí bất kỳ khoảnh khắc, điểm đến nào. May mắn, trong quá trình di chuyển, một số du khách, hướng dẫn viên gặp tôi trên đường đã hỗ trợ tôi xuống đến bến thuyền. Khi nhìn lại, tôi cũng thấy kinh ngạc và vui vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân. Bởi từ ngày chỉ còn một chân, quãng đường xa nhất tôi đi chỉ kéo dài chừng vài trăm mét", chị Nga chia sẻ.
Chị Nga khám phá dinh thự "Vua Mèo" (Ảnh: Thanh Nga).
Cô gái 30 tuổi cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự yêu mến, hiếu khách từ các em nhỏ, bà con ở vùng địa đầu Tổ quốc (Ảnh: Thanh Nga).
Di chuyển
Ban đầu, chị Nga dự tính thực hiện chuyến độc hành đến Hà Giang. Sau đó, chị đặt tour xe máy một khách, một hướng dẫn viên với giá 4,5 triệu đồng để nhờ bạn ấy chở đi, hướng dẫn các điểm đến.
Vô tình gặp hai du khách khác (một nam một nữ) xuất phát cùng thời điểm nên chị ghép đoàn đi chung và có thêm những người bạn đồng hành mới rất đáng trân quý.
Trong ba ngày khám phá Hà Giang, chị Nga cùng đoàn đi xe máy, di chuyển rong ruổi với lịch trình dày đặc các điểm tham quan nổi tiếng như cổng trời Quản Bạ, dốc Bắc Sum, nhà của Pao, dinh thự vua Mèo, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, làng dệt Lùng Tám,... Chuyến đi này, nữ du khách có chút tiếc nuối khi chưa thể đến được "mỏm đá tử thần".
Thời gian ở Hà Giang, tuy khá vất vả vì di chuyển, ngồi xe máy nhiều và có những đoạn đường đi bộ hơi xa nhưng chị Nga cảm thấy được đền bù xứng đáng khi tận mắt chứng kiến cảnh quan đẹp kỳ vĩ, thơ mộng nơi đây (Ảnh: Thanh Nga).
Ba ngày di chuyển khoảng 350km, riêng ngày đầu còn mưa tầm tã nhưng cô gái trẻ không hề thấy mỏi mệt mà rất sảng khoái khi cảnh đẹp dần hiện ra trước mắt (Ảnh: Thanh Nga).
Lưu trú
Chị Nga dành ba đêm lưu trú ở một homestay trên địa bàn huyện Đồng Văn với không gian sinh hoạt rộng rãi, thiết kế mộc mạc. Không chỉ được trải nghiệm chốn ở đặc trưng của người bản địa, chị còn được gia chủ và hướng dẫn viên bí mật tổ chức sinh nhật cho mình.
Một góc homestay nơi chị Nga lưu trú trong những ngày ở Hà Giang (Ảnh: Đồng Văn Eco Stone House).
Anh Nguyễn Văn Nghiệp - hướng dẫn viên trong chuyến đi của chị Nga khi biết vị khách đặc biệt của mình tới đây chào đón tuổi mới nên đã liên hệ với homestay để tổ chức bữa tiệc chúc mừng nhỏ. Anh mong món quà tinh thần này sẽ giúp cô gái trẻ có thêm kỷ niệm đáng nhớ ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Bữa tiệc đơn giản với món lẩu gà đen, rượu ngô men lá và chiếc bánh sinh nhật nhỏ nhưng khiến chị Nga thấy rất xúc động, cảm nhận được tấm chân tình của mọi người xung quanh, dù lạ hay quen.
Trải nghiệm
Thời gian lưu trú ở Hà Giang, chị Nga thích nhất cảm giác ngồi thuyền trên sông Nho Quế, xuyên qua hẻm Tu Sản hay săn mây trên những cung đèo.
Khi ghé thăm làng dệt Lùng Tám, chị Nga được tìm hiểu quá trình làm thành sợi vải từ cây lanh và cách người địa phương sản xuất ra những bộ trang phục truyền thống rực rỡ màu sắc.
Cây lanh sau khi thu hoạch được lựa chọn kỹ, đem ngâm và tuốt ra thành từng sợi nhỏ. Sau đó, sợi lanh được cuộn lại vào các khung quay. Để sợi lanh mềm, những người phụ nữ Mông thường đem nguyên liệu này đi luộc hoặc hấp.
Chị Nga chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Mai - một nghệ nhân ở làng dệt Lùng Tám (Ảnh: Thanh Nga).
Về tạo màu, người dân Lùng Tám nhuộm sợi lanh bằng các nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên như lá cây rừng, các loại gỗ. Điều này giúp sợi lanh có màu bền, đẹp và không gây hại cho da.
Vì lịch trình thay đổi nên chị chưa có cơ hội chinh phục Cột cờ Lũng Cú, hứa sẽ trở lại Hà Giang để khám phá hết những điểm đến chưa thể đặt chân. Đồng thời, chị sẽ ghé thăm thêm nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La hay Cao Bằng.
Sự chân chất, thân thiện của người địa phương cũng khiến du khách 30 tuổi càng thêm yêu mảnh đất nơi đây (Ảnh: Thanh Nga).
Ăn uống
Tại Hà Giang, chị Nga được thưởng thức nhiều đặc sản, món ăn nổi tiếng như bánh cuốn Bà Hà (phố cổ Đồng Văn), bún chả, lẩu gà đen H'mông, rượu ngô men lá,... Nữ du khách đến từ Gia Lai cũng thích ăn cơm trắng kèm các món của người bản địa để cảm nhận hương vị núi rừng vùng cao.
Chuyến đi 3 ngày 2 đêm tại Hà Giang để lại trong lòng chị Nga rất nhiều cảm xúc. Chị không chỉ làm quen được thêm nhiều người bạn mới mà còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở vùng cao. Tới Hà Giang, du khách 30 tuổi mới nhận ra, ngay tại Việt Nam cũng có nhiều điểm đến rất đẹp chẳng thua kém nước ngoài.
"Nếu như trước đây, tôi ước mình là một người bình thường để có thể đặt chân tới nơi mình muốn. Nhưng giờ đây, biết rằng điều ước không thể thành sự thật nên tôi quyết định thực hiện đam mê theo cách riêng", chị Nga bày tỏ.