Mới đây, nhiều cảnh đẹp xứ Huế xuất hiện trong bối cảnh phim "Em và Trịnh". Đây là những nơi được du khách yêu thích khi tới mảnh đất này du lịch.
Trên thế giới và tại Việt Nam, thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nhiều khách du lịch đã đổ về điểm thăm quan nào đó sau khi nơi này xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh thu hút nào đó.
Đầu tư nhiều cho bối cảnh để làm nổi bật cảnh sắc Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu hướng được nhiều đạo diễn trong nước theo đuổi.
Nói cách khác, nhiều địa điểm đã trở nên hút khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh của một câu chuyện phim. Theo thống kê chưa đầy đủ nhưng có khoảng từ 5% đến 7% lượng du khách trên thế giới cho biết họ đi du lịch nhờ được gợi cảm hứng từ các bộ phim.
Sau khi phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" công chiếu thì những địa danh của New Zealand trong phim đã trở thành những điểm đón khách du lịch nổi tiếng thế giới. Chỉ riêng làng Hobbiton của Matamata mỗi năm đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan.
Tương tự như vậy, nhiều lượt khách du lịch đã đến nước Anh vì những cảnh quay trong các phim như "Harry Porter", "Sherlock Holmes"...
Bằng những thước phim mãn nhãn, đạo diễn Victor Vũ đã khiến công chúng ngây ngất với cảnh đẹp của Phú Yên trong bộ phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt năm 2015.
Cũng như sau khi phim bom tấn "Võ sĩ đấu giác" tạo nên cơn sốt phòng vé thì Đấu trường La Mã (Ý) vốn đã đông khách du lịch lại càng đông hơn...
Điều này cũng xảy ra với những địa danh ở các đất nước Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... khi những nơi này trở thành bối cảnh của phim Hollywood hay những bộ phim chinh phục được khán giả quốc tế.
Từ những minh chứng đó, ngành du lịch nhận ra rằng, hơn bất kỳ một cách thức quảng cáo nào, điện ảnh là một trong những kênh quảng bá du lịch hiệu quả hàng đầu.
Không cần một lời giới thiệu nào, chỉ sau một bộ phim mà địa danh đó có thể tạo được ấn tượng trong tâm trí và trở thành điểm đến của không ít người.
Với điện ảnh Việt Nam, cách đây nhiều năm, có thể các nhà làm phim chưa chủ đích thông qua điện ảnh để quảng bá du lịch nhưng hiệu quả tình cờ là không thể phủ nhận.
Không ít người đã háo hức đến với miền Tây sông nước để được tận mắt ngắm nhìn thiên nhiên khoáng đạt, con người chân phương hào sảng sau khi xem "Mùa len trâu" hay "Cánh đồng bất tận"...
Bằng những thước phim mãn nhãn, đạo diễn Victor Vũ đã khiến công chúng ngây ngất với cảnh đẹp của Phú Yên trong bộ phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt năm 2015.
Cũng từ đây, người ta gọi Phú Yên với cái tên trìu mến và nên thơ “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”, còn Victor Vũ thì mặc nhiên được công nhận là “đạo diễn phù thủy” có khả năng khơi dậy tiềm năng du lịch của một vùng đất chỉ bằng một bộ phim.
Theo công bố tại một hội thảo về điện ảnh được tổ chức vào cuối năm ngoái, trước khi có bộ phim này, tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch Phú Yên là 12%-13%, nhưng từ sau khi bộ phim gây tiếng vang, con số này đã là trên 25%. Những tour thăm phim trường vẫn còn thu hút du khách đến tận hôm nay, dù bộ phim ra mắt đã nhiều năm.
Bối cảnh đẹp trong phim Mắt biếc đã khiến nhiều địa điểm ở Huế thu hút rất đông du khách.
Hiệu ứng từ bộ phim này cũng giúp Victor Vũ định hình cho mình phong cách riêng khi làm phim. Với bộ phim Người bất tử, Victor Vũ đã hiện thực hóa khả năng hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi”: Quay phim trong hang Tú Làn (Quảng Bình) để mang đến cho công chúng những thước phim hết sức đặc biệt.
Theo đạo diễn này, để vào được điểm quay phim, đoàn đã phải di chuyển bằng nhiều hình thức, từ đi bộ, leo núi đến bơi như dân phượt chuyên nghiệp với khối lượng thiết bị rất lớn. Riêng anh phải đi khảo sát 5 lần và có lần bị ngã, hút chết.
Chính sự nguy hiểm khi di chuyển vào trong hang đã khiến nhiều đoàn làm phim trước anh phải “đầu hàng”. Tuy nhiên, kết quả cho sự mạo hiểm của người đạo diễn này chính là cảnh đẹp siêu thực ở hang Tú Làn lần đầu được tái hiện trên màn ảnh rộng.
Gần đây nhất, nhiều cảnh đẹp xứ Huế xuất hiện trong bối cảnh phim "Em và Trịnh". Đây là những nơi được du khách yêu thích khi tới mảnh đất này du lịch.
Trong phân đoạn Trịnh Công Sơn đi theo dấu chân Bích Diễm dưới mưa, khán giả có thể thấy hình ảnh của nhà thờ Phủ Cam - một trong những giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế, nằm trên một ngọn đồi nhỏ có tên là Phước Quả ở bờ nam sông Hương.
Nhà thờ Phủ Cam (tên đầy đủ là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam) thuộc địa phận phường Phước Vĩnh. Nhà thờ này bắt đầu hình thành từ những năm 1682, dưới thời các chúa Nguyễn với xuất phát điểm là ngôi nhà nguyện tranh tre do linh mục Langlois dựng nên.
Trong phân đoạn Trịnh Công Sơn đi theo dấu chân Bích Diễm dưới mưa, khán giả có thể thấy hình ảnh của nhà thờ Phủ Cam.
Nhà thờ trải qua nhiều lần xây dựng, thay đổi về kiến trúc. Diện mạo hiện tại được tu sửa dựa trên công trình do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Đây là địa điểm quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến xứ Huế.
Không chỉ quảng bá du lịch qua những bộ phim trong nước, du khách quốc tế sẽ biết tới Việt Nam nhiều hơn nếu như chúng ta có những địa danh trở thành bối cảnh của những bộ phim bom tấn của những nhà làm phim tên tuổi trên thế giới.
Tác giả: Xuân Lan
Nguồn tin: Báo Công lý