(HNMCT) - Trong số 4 kinh đô của thế giới cổ đại gồm Athens, Cairo, Rome, Tây An vốn được coi là “cái nôi” của những nền văn minh lớn, có lẽ Athens là nơi tôi ấn tượng nhất. Athens không chỉ là thủ đô lâu đời nhất của châu Âu, mà còn là một trong những nơi có con người sinh sống sớm nhất trên thế giới. Tới Athens, bạn thực sự đi theo bước chân của những người đã góp phần tạo nên nền văn minh lừng lẫy nhất trong lịch sử nhân loại.
Đền Parthenon ở ngọn đồi Acropolis.
Lịch sử thành phố
Từ các bằng chứng khảo cổ, các nhà khoa học đã chứng minh con người đã sinh sống ở Athens từ 4.000 năm trước Công nguyên (TCN). Đến thời kỳ đồ đồng (khoảng năm 1400 TCN), Athens đã trở thành trung tâm quan trọng của người Mycenaean. Từ năm 461 - 429 TCN, Athens phát triển thịnh vượng, trở thành một trung tâm văn hóa, kiến trúc và chính trị. Vào thời điểm này, khi nhân loại còn đang ở những bước tiến sơ khai thì Athens đã có sự phát triển vượt bậc về hội họa, văn học, thi ca, kiến trúc, điêu khắc, triết học, thể thao. Rất nhiều nhà tư tưởng, chính trị gia, nhà khoa học lỗi lạc đã xuất hiện trong thời kỳ này mà di sản của họ để lại còn tồn tại mãi với thời gian như Plato, Socrates, Pericles, Sophocles, Aristotle...
Athens được đặt theo tên Athena - vị thần của tri thức và chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp. Athens cũng từng nằm dưới sự cai trị của nhiều đế chế. Vào thế kỷ I TCN, đế chế La Mã thống trị Athens, Hoàng đế La Mã Hadrian đã cho xây dựng nhiều công trình vĩ đại xung quanh Roman Agora. Vào thế kỷ IV, Athens do đế chế Byzantine cai trị. Từ đầu thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XV, Athens lần lượt được giám sát bởi người Burgundia và người Catalonia. Sau đó, đế chế Ottoman đã kiểm soát Athens trong một thời gian dài và cuối cùng, vào năm 1821, Athens đã thuộc về Hy Lạp.
Ngọn đồi Acropolis
Acropolis là quần thể kiến trúc đẹp đẽ, huy hoàng, tráng lệ nhất mà con người từng sáng tạo nên. Nó vẫn nằm lặng lẽ trên ngọn đồi ở phía tây thành phố từ 2.500 năm nay như một minh chứng hùng hồn nhất cho nền văn minh rực rỡ của Hy Lạp trong quá khứ. Quần thể Acropolis bao gồm đền Parthenon, đền Erechtheion, bảo tàng Acropolis, trong đó, nổi bật nhất là đền Parthenon và Erechtheion. Parthenon là đền thờ nữ thần Athena được xây dựng từ năm 447 - 432 TCN, do hai kiến trúc sư Ichtinos và Callicrates thiết kế. Parthenon được chia làm 3 phần: Tiền sảnh, gian thờ - nơi đặt tượng nữ thần Athena bằng vàng và phòng để chứa các vật dụng quý báu. Vật liệu xây dựng chính là đá hoa cương trắng. Khi ánh mặt trời chiếu vào, cả ngôi đền như phát sáng rực rỡ. Điều đặc biệt của Parthenon là người Hy Lạp cổ đại không dùng vữa để gắn kết các tảng đá lại với nhau mà các khối đá được đục đẽo theo một tỷ lệ chính xác, sao cho mỗi viên được gắn nối thật khít với viên khác.
Bên tay phải của đền Parthenon là Erechtheion - đền thờ thần Athena và Poseidon. Erechtheion được xây vào khoảng năm 424 - 406 TCN, đây là ngôi đền duy nhất trong kiến trúc đền đài Hy Lạp có mặt bằng không đối xứng. Điểm đặc biệt của đền Erechtheion là hàng cột tạc những cô gái nô lệ xứ Cariatit duyên dáng và e lệ, hình ảnh này là nguồn cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ, nhà thơ và nhà điêu khắc nổi tiếng.
Hàng cột nổi tiếng ở đền Erechtheion.
Nhà hát Odeon
Nhà hát Odeon được người dân địa phương gọi là Herodeon, được xây dựng từ năm 160 - 174 bởi nhà hảo tâm giàu có của Athens là Herodes Atticus để tưởng nhớ người vợ quá cố Rigilla của mình.
Kiến trúc của Odeon mang đậm phong cách La Mã, trái ngược với nhà hát Dionysos gần đó. Odeon có 35 hàng ghế, khán phòng bằng đá cẩm thạch hình bán nguyệt với đường kính 80m có sức chứa 4.680 người. Vào thời cổ đại, Odeon thường là nơi tổ chức các cuộc thi âm nhạc. Ngày nay, nhà hát cổ bằng đá này vẫn tổ chức một số buổi biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng như Nana Mouskouri, Luciano Pavarotti và Frank Sinatra.
Quảng trường sôi động
Nằm ở trung tâm của Athens, quảng trường Syntagma còn được gọi là quảng trường Hiến pháp vì đây là nơi người dân Athens đứng lên chống lại vua Otto của Hy Lạp vào ngày 3-9-1843. Nổi bật nhất ở Syntagma là tòa nhà Nghị viện Hy Lạp (Hellenic Parliament) được xây dựng từ năm 1836 đến 1842. Phía trước là tượng đài Những người lính vô danh được canh gác cả ngày lẫn đêm bởi hai vệ binh mặc đồng phục truyền thống. Lính gác sẽ được thay đổi mỗi giờ một lần. Buổi lễ đổi gác long trọng hơn thường diễn ra vào lúc 10h sáng chủ nhật. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua nghi lễ độc đáo này nếu tới thăm Athens. Ở đầu quảng trường Syntagma là con phố Ermou - nơi mua sắm đông vui nhộn nhịp nhất ở Athens với các shop hàng hiệu, quần áo, đồ da, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm...
Quảng trường Monastiraki nằm ngay bên dưới ngọn đồi Acropolis, một trong những khu phố cổ nhất ở Athens. Monastiraki có những tòa nhà kiến trúc tân cổ điển với ban công tràn ngập những bông hoa rực rỡ. Dọc theo những con phố của quảng trường là rất nhiều nhà hàng, quán ăn mang đậm phong cách Hy Lạp với những món ăn Địa Trung Hải thơm ngon, quyến rũ. Đặc biệt, vào buổi tối, bạn sẽ thấy một không khí sôi động, lãng mạn, nồng nàn rất Athens.