(Tổ Quốc) - Lựa chọn địa điểm du lịch có thể khiến du khách mất hàng giờ hay nhiều ngày tháng đắn đo.
Chuyện chọn địa điểm du lịch không chỉ liên quan đến chuyện tiền bạc mà còn là sự đắn đo về mức độ an ninh - an toàn, sở thích cá nhân... Bằng kinh nghiệm cá nhân, travel blogger Dy Khoa sẽ hướng dẫn 4 bước để chọn được địa điểm du lịch phù hợp với bản thân.
Bước 1: Cân nhắc tổng chi phí
Tính toán tổng chi phí để tránh mất an toàn tài chính cá nhân. Ảnh: Dy Khoa.
"Không có tiền thì không thể đi du lịch", nhận định này đúng với đa số các chuyến du lịch chi tiêu bằng tài chính cá nhân. Vậy nên hãy xem túi tiền của bạn, khả năng chi chuyến cho tổng trình lần này là bao nhiêu. Cần lưu ý mức chi tiêu nên có phần dôi dư để kịp ứng phó với các bất trắc. Nếu bạn ước tính tổng chi phí cho chuyến đi là 10 triệu thì nên trừ hao thêm 5 triệu đồng. Các chi phí phát sinh có thể là chi phí nhập cảnh, phí đặt cọc tại khách sạn hoặc chi phí khác không được liệt kê trong hợp đồng du lịch.
Một số người đi nước ngoài thường tách chi phí thủ tục làm thị thực (visa) ra riêng. Tuy nhiên, cách làm này có thể gây mất an toàn tài chính cho chủ nhân, dẫn đến tình trạng thiếu trước hụt sau. Nếu được thì nên phân định rõ ràng là tiền du lịch này đến từ tiền tiền kiệm hay tiền từ vay hoặc quẹt thẻ tín dụng để có phương án trả nợ phù hợp.
Người khôn ngoan chính là người biết kiểm soát đồng tiền đi ra.
Bước 2: Cân nhắc địa điểm du lịch
Từ tổng chi phí ước tính, du khách sẽ lọc lại các điểm đến phù hợp với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm du lịch còn cần cân nhắc dựa trên các yếu tố khác không chỉ là vấn đề tiền bạc.
Nếu có 10 triệu đồng nhưng bạn vẫn muốn du lịch nước ngoài thì vẫn có thể suy nghĩ đến các nước như Thái Lan hoặc Singapore. Cũng với số tiền này, nếu đi nội địa thì cũng có kha khá nơi để bạn lựa chọn.
Nếu đi Thái Lan nhưng muốn tìm về xưa cũ thì cố đô
Ayutthaya
là điểm đến phù hợp với bạn: Ảnh: Dy Khoa.
Ở Auckland (New Zealand) có một bãi biển rất bình yên mà ít khách du lịch biết. Ảnh: Dy Khoa.
Vậy cần cân nhắc điều gì?
Chính là phong tục, tập quán, ẩm thực, cách giao tiếp... Đây là những điều bạn cần tìm hiểu trước. Chẳng hạn đồ ăn ở Huế hoặc Thái Lan đa phần rất cay. Nhưng bạn không phải là người chuộng ăn cay. Nếu bạn không phải du khách muốn khám phá ẩm thực thì có thể bỏ qua rào cản này. Còn nếu bạn là người thích ăn cả thế giới thì cần phải thật sự cân nhắc.
Hoặc có nhiều người bị ám ảnh bởi các thông tin truyền thông về một quốc gia, dẫn đến không cảm thấy vui vẻ nếu đến quốc gia ấy. Trong trường hợp này, tôi khuyên bạn ấy nên bỏ qua và chọn một quốc gia khác. Du lịch là để tận hưởng, để hạnh phúc. Đừng ép buộc bản thân làm điều mình không muốn.
Bước 3: Lên kế hoạch du lịch
Lên kế hoạch du lịch sẽ giúp bạn không bị lỡ các chuyến bay, xe khách đã đặt trước. Ảnh: Dy Khoa.
Sau khi xác định được chi phí, mong muốn bản thân, bây giờ đã đến lúc thú vị nhất của một người thích xê dịch. Nếu bạn đã hứng thú từ trước với một địa điểm nào thì rất dễ, đủ tiền thì mua vé bay và đi. Nhưng nếu chưa xác định rõ thì cần tìm hiểu thêm tại sao mình đến đó, ở đó có gì. Nhất là ở một quốc gia rộng lớn như Indonesia hay Trung Quốc thì chuyện xác định này càng quan trọng.
Nhiều người mê phong cảnh nhưng cũng có người mê những công trình nghệ thuật. Nếu xác định muốn xem công trình nghệ thuật thì không nên đến thăm thú núi non hùng vĩ ở Sapa. Hay muốn xem cảnh sắc thiên nhiên lại chọn đến thủ đô Paris (Pháp) là điều khá sai.
Xác định rõ bản thân muốn đi đâu sẽ giúp bạn lên lịch trình chi tiết chuyến đi rất dễ dàng. Hãy ghi rõ trong lịch trình bạn di chuyển đến đó bằng cách nào, mấy giờ ra sân bay hoặc chặng tiếp theo sẽ đi bằng tàu điện ra sao. Lịch trình càng chi tiết sẽ càng giúp bạn chủ động và không bị bỏ sót bất kỳ địa điểm nào bạn muốn đến trong suốt chuyến đi.
Việc lên kế hoạch du lịch cũng giúp cơ quan chức năng sở tại dễ dàng hình dung khi làm thủ tục nhập cảnh (nếu họ bị hỏi).
Bước 4: Điều chỉnh lịch trình du lịch
Luôn sẵn sàng thay đổi lịch trình du lịch để khám phá trọn vẹn điểm đến. Ảnh: Dy Khoa.
Du lịch nếu lúc nào cũng suôn sẻ thì không còn là thú vị với những người mê khám phá. Nhưng nó lại là sự phiền toái với những người thích kiểu du lịch nghỉ dưỡng. Bạn sẽ làm gì nếu cách hai ngày trước khi bay phát hiện hãng bay khuyến mại giảm vé bay kịch trần. Tôi đã từng huỷ chiếc vé đã đặt từ trước để chuyển sang hãng đang giảm giá. Dĩ nhiên là có mất một khoản phí nhưng tính tổng thì tôi vẫn dư tiền để trả một đêm khách sạn.
Cạnh đó, chỉ khi đến nơi, bạn mới biết ở đó có gì thật sự hay. Hãy sẵn sàng lật tung lịch trình của mình để khám phá điểm đến. Nếu đi Hà Nội thì ai cũng ghé Hồ Gươm, Nhà thờ Lớn. Nhưng bạn có biết xung quanh đó có gì hay, quán gì ngon. Hãy tự mình khám phá để thấy chuyến đi thật sự ý nghĩa.
Dy Khoa