Đến TP.Pleiku của Gia Lai, chắc hẳn không ít du khách đã từng thử qua đặc sản phở hai tô trứ danh ở đây. Về Sài Gòn, nếu cảm thấy nhớ quá hương vị món ăn này, thực khách có thể tìm đến một địa chỉ chính gốc phố núi giữa lòng đô thị náo nhiệt.
Phở hai tô là đặc sản gì ở Gia Lai?
Du lịch Gia Lai, nhiều người truyền tai nhau nhất định phải thử đặc sản "phở hai tô". Thoạt nghe, có vẻ lạ tai. Song, đó là cách gọi vui của món phở khô Gia Lai trứ danh. Món ăn này đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập theo bộ tiêu chí Giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2012.
Đến TP. Pleiku của Gia Lai, chắc hẳn không ít du khách đã từng thử qua đặc sản phở hai tô trứ danh ở đây. Ảnh: Nguyên Thịnh
Sở dĩ món ăn có tên phở hai tô như thế, là vì được dọn ra với 2 tô riêng. Một tô đựng sợi phở dai dai, rắc thêm thịt băm, hành phi, tóp mỡ... Tô kia đựng nước dùng ngọt thanh, ấm nóng, từa tựa vị nước lèo của món phở bò, có thịt bò tái, bò viên, xương...
Tại Gia Lai, phở Hồng là một địa chỉ ẩm thực có tiếng, nằm ở số 22-24 Nguyễn Văn Trỗi, phường Hội Thương, TP. Pleiku.
Theo cô Hồng, chủ quán chia sẻ, cô đã bán đặc sản phở khô Gia Lai được hơn 30 năm. Song, nếu lần ngược trở lại nữa, thì phải kể đến tiệm ăn Đại Hưng từ thập niên 1960 đã nổi tiếng với món phở khô này, mà cô Hồng là hậu duệ của chủ tiệm - ông Nguyễn Thành Mỹ.
Ở Sài Gòn, phở khô Gia Lai đã có mặt tại một số quán ăn, hoặc một chuỗi cà phê nổi tiếng cũng có phục vụ món này. Song, một trong những địa chỉ ẩm thực được nhiều thực khách ưa chuộng, phải kể đến quán phở Hồng "chính gốc" Gia Lai.
Món ngon phố núi về Sài Gòn
Quán phở Hồng chuyên phở khô Gia Lai trước đây có mặt ở đường Đồng Nai, quận 10. Sau đại dịch, đầu năm nay, quán đã dời về số 92 Phan Xích Long, quận Bình Thạnh, trên con đường ẩm thực nhộn nhịp bậc nhất, tập trung rất nhiều quán xá của quận.
Trước đây, quán phở Hồng nằm ở quận 10, gần đây đã dời về đường ẩm thực Phan Xích Long. Ảnh: Nguyên Thịnh
Theo nhiều ý kiến của thực khách, phở Hồng ở TP.HCM phục vụ đặc sản phở hai tô không khác là mấy so với hương vị món phở khô Gia Lai ngay phố núi.
Tô phở khô được trộn để riêng. Có nhiều người Sài Gòn cho rằng gọi là phở, nhưng thực ra khá giống sợi hủ tiếu ở miền Nam, không phải sợi phở dày bản như phở Hà Nội. Tuy nhiên, để ý kỹ, ta sẽ thấy sợi "phở" trong món phở khô Gia Lai có độ dai hơn, khi trụng cũng dính chặt lại. Vì thế, trước khi trộn đều lên thưởng thức, thực khách quen ăn món này sẽ làm tách rời sợi phở ra một tí cho dễ trộn.
Trong tô phở khô trộn này đã có sẵn gia vị, tóp mỡ, hành phi, thịt băm. Ảnh: Nguyên Thịnh
Trong tô phở khô trộn này đã có sẵn gia vị, tóp mỡ, hành phi, thịt băm. Tuy nhiên, để món ăn thêm đậm đà, không thể thiếu tương đậu ăn kèm, dùng để rưới đều và trộn với phở. Chính tương đậu khiến hương vị phở khô Gia Lai thêm phần đặc trưng, lạ hơn so với những món phở khác.
Tô nước dùng với thịt được để riêng. Nước dùng nấu từ xương, cho vị ngọt thanh. Thịt bò tái tươi ngon, được xắt mỏng, chín vừa tới khi chan vào nước dùng nóng hổi. Trong tô còn có gầu bò, bò viên xắt miếng vừa ăn. Ăn kèm còn có chanh, ớt, giá trụng, xà lách, rau thơm các loại.
Tô nước dùng với thịt được để riêng. Ảnh: Nguyên Thịnh
"Mình ở Phú Nhuận, trước đây muốn ăn phải chạy qua quận 10 khá xa. Nay quán mở ở Phan Xích Long, đi cũng tiện đường hơn. Nước lèo ở đây thơm, ngọt. Thịt bò mềm, ngon. Đặc biệt phở được trộn khá ngon. Tuy nhiên, với sức ăn của mình, mình thấy một phần phở khô hơi ít thịt", anh Hoàng Quân (thực khách ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Ngoài thịt bò tái, bò viên, thực khách có thể gọi xương heo, thịt gà xé, hay phần thập cẩm đủ loại đều được. Mức giá mỗi phần ăn ở phở Hồng dao động khoảng 50.000-60.000 đồng.