Khoảng 11h30, quán bún mắm 201 trên đường Hoa Sứ (Q.Phú Nhuận) đã tấp nập người ra vào. Dòng thông báo "quán không tăng giá" dán trên tường khiến nhiều thực khách ấn tượng.
Đầu tháng 3, khi giá xăng lần đầu lập kỷ lục, quán ăn này cam kết không tăng giá bán. Anh Huỳnh Văn Minh (41 tuổi, chủ tiệm) đã in thông báo đặt trước cửa. Sau vài lần gió thốc khiến bảng chữ bị đổ, anh dán giấy ghi nội dung tương tự lên tường để khách tiện theo dõi.
Chia sẻ với Zing, chủ quán bún mắm cho biết đây là cách anh sẻ chia phần nào gánh nặng tiền bạc với người dân TP.HCM.
“Đây không phải lần đầu tôi viết tâm thư như thế này. Hồi 2019, khi giá xăng tăng đột ngột, quán từng đặt bảng xin phép bớt một con tôm trong phần ăn và được thực khách ủng hộ. Ai cũng gặp áp lực trong thời buổi vật giá leo thang, tôi cố gắng không tăng giá để bà con vẫn mua tô bún với giá cũ”, anh Minh bày tỏ.
Quán bún được chú ý nhờ thông điệp không tăng giá.
Bớt 1 miếng cá cũng đắn đo
Quán bún mắm của gia đình anh Huỳnh Văn Minh đã đi vào hoạt động hơn 6 năm. Khách đến ăn chủ yếu là dân văn phòng, người lao động nên từ đó đến nay, quán chỉ mới điều chỉnh giá bán 2 lần.
Đầu tháng 3, khi giá xăng tăng đột biến, tất cả những nguyên liệu nấu bún đều tăng ít nhất 30%, có thứ tăng gấp đôi. Sự thay đổi này khiến vợ chồng anh Minh trăn trở, phải tìm nhiều cách xoay xở. Đến nay, khi xăng chạm mốc 33.000 đồng/lít, anh Minh càng áp lực với việc duy trì kinh doanh.
Nguyên liệu tươi, sạch làm nên mỗi tô bún mắm.
“Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ. Tiền mặt bằng không được giảm, tôi cố giảm mọi chi phí đầu vào để không phải tăng giá món ăn. Tụi tôi mua nguyên liệu số lượng lớn, tính theo tạ để có ưu đãi. Gia đình cũng đầu tư một chiếc xe tải, tự vận chuyển rau, hải sản từ chợ đầu mối để tiết kiệm phí ship.
Hồi trước, mỗi suất ăn còn có cá basa nhưng giờ tôi đành cắt bớt vì thật sự không kham nổi. Bù lại, tôi chú trọng nguồn gốc, độ tươi của các nguyên liệu khác nhằm đảm bảo hương vị món ăn. Tôi ăn thế nào thì bán cho mọi người y như vậy”, anh nói.
Từ ngày đưa ra thông báo đặc biệt, lượng khách đến thưởng thức bún mắm cũng tăng đáng kể. Song anh Minh vẫn gặp áp lực lớn trong việc cân đối chi phí.
“Kinh doanh phải sinh lời mới có thể duy trì. Tuy nhiên, tôi chấp nhận giảm lợi nhuận một chút, thắt chặt chi tiêu gia đình. Nhiều người không hiểu, còn nói tôi cố tình thông báo như vậy nhằm đánh bóng tên tuổi. Thú thật, quán tôi mở đã lâu, có tệp khách hàng trung thành nhất định nên không cần chiêu trò. Đây đơn giản chỉ là tấm lòng của tôi thôi”, ông chủ 41 tuổi cười xòa.
Quán bún đã mở nhiều năm, khách chủ yếu là nhân viên văn phòng, dân lao động.
Khách hàng cảm thông
Quý Minh (26 tuổi, nhân viên văn phòng) thường xuyên đến đây ăn trưa cùng đồng nghiệp. Anh khoe mình đã gắn bó với quán hơn 2 năm dù trước đó không thích những món có nguyên liệu là mắm.
“Tôi khá bất ngờ với nước dùng ở đây. Quán xử lý mùi tanh của mắm tốt, nêm nếm đậm đà, vừa miệng tôi. Điểm đặc biệt của tô bún này là thịt heo quay. Họ biết ý khách nên cắt miếng bản to, tạo cảm giác rất đã khi ăn. Trong thời buổi vật giá liên tục leo thang, tôi thường đắn đo khi chi tiền ăn uống. Bên cạnh đó, tìm được quán ngon, giá phải chăng cũng không dễ dàng. Vì vậy, tôi khá hài lòng khi mua được suất bún đầy đặn, hợp vị với giá 55.000 đồng”, Minh nói.
Khách đến ủng hộ quán nhờ giá cả và hương vị.
Tương tự, Bảo Hân (22 tuổi, quê Kiên Giang) cũng yêu thích hương vị bún mắm tại đây. Theo cô, thức ăn ngon và thái độ thân thiện của nhân viên là lý do cô thường xuyên đến dùng bữa. Bên cạnh đó, Hân cũng đánh giá cao sự sẻ chia của quán trong mùa bão giá.
“Quán không tăng giá, lại tặng khăn lạnh miễn phí cho thực khách. Đây là điểm khiến tôi ấn tượng vì hầu như nơi nào cũng tính tiền phần này. Bản thân là người có thu nhập không quá cao, tôi luôn biết ơn, trân trọng những hàng ăn nghĩa tình.
Tôi hiểu chủ quán cũng phải cố gắng nhiều mới có thể duy trì mức giá như hiện tại. Hy vọng sẽ có nhiều thực khách đến ủng hộ để quán có thể tiếp tục đồng hành cùng dân lao động qua giai đoạn khó khăn này”, Hân bày tỏ.