Trang Chủ > Ẩm thực > Ốc gác bếp hun khói, ngâm sữa trứng rồi luộc sả chấm cơm mẻ... ngon quên đường về

Ốc gác bếp hun khói, ngâm sữa trứng rồi luộc sả chấm cơm mẻ... ngon quên đường về

Tuổi Trẻ
19/07/2022 03:16:42

TTO - Ở miền Tây, có một món ăn dân dã của dân quê, thường treo giàn bếp để dành giờ trở thành món ăn đặc sản. Đó là món “ốc gác bếp". Món này chỉ đơn giản những con ốc bưu, ốc lác bắt được ngoài đồng, bà con đem về treo giàn bếp để dành mà thôi.

  • Ngon nhức răng với ốc, gỏi xoài, cơm dừa, lươn um, cá linh, chuột đồng... ở Tây Nam Bộ
  • Ra hòn Tre đừng quên món ốc cùi
  • Ẩm thực dọc đường tha hương

Có lẽ giờ đây không ai còn nhớ rõ, món ốc gác bếp (hay ốc treo giàn bếp) này có từ khi nào. Nhưng theo những bậc lão làng kể lại, món ăn này xuất phát từ rất lâu, thường vào thời điểm miền Tây mùa lũ rút.

Lúc này nội đồng bắt đầu cạn khô, bà con đi bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp, để đến những tháng khô hay khi nhà có dịp tụ họp mới dùng đến.

Ốc treo giàn bếp thường để được đến 4-5 tháng, lúc lấy xuống chế biến ốc vẫn còn sống.

Không như suy nghĩ của nhiều người, ốc bắt lên khỏi nước để lâu ngày sẽ chết hay ốm teo vì đói, ốc gác bếp ngày ngày ngửi khói từ bếp củi, sẽ không chết do hơi nóng bốc lên mà vẫn mập mạp, béo ngậy, khi đem chế biến món ăn vẫn giữ mùi vị ngọt, thêm mùi khói bếp ăn vào "thơm râu".

Vậy loại ốc nào được dùng làm món đặc sản này? Trước đây, hễ bắt được loại ốc nào, bà con cũng để làm ốc gác bếp được, nhưng thường là ốc bưu đen. Sau này từ thực tế ăn uống, nhiều người mới thấy ngon nhất vẫn là ốc lác gác bếp.

Ốc sau khi bắt lên, đem rửa sơ rồi lựa con còn sống đem bỏ vô giỏ tre, treo lên gần bếp củi, hàng ngày khi nấu cơm, khói bếp phía bên dưới bay lên và hun chiếc giỏ đựng ốc treo trên giàn.

Bà Dương Thị Ở (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) nói, thông thường ốc để trên bếp khoảng từ 7-10 ngày đem xuống rửa lại rồi chế biến món ăn. Nhưng có người để lâu hơn từ 4-5 tháng ốc vẫn còn sống…

Với hương vị độc đáo giòn giòn, ngọt béo và thơm phức mùi khói bếp, từ 1 món ăn dân dã, giờ đây ốc treo giàn bếp đã thành món ẩm thực đặc sản.

Một số địa phương ở miền Tây đưa vào làm món đặc sản của địa phương, ốc gác bếp được bán vào siêu thị với giá cao. Khi được nếm thử món này, bao thực khách gần xa nhớ mãi hương vị.

Khi nấu ốc gác bếp, chọn những con ốc mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước đem đi rửa sạch để chế biến.

Để tạo ra hương vị thơm ngon hơn cho ốc, người ta còn ngâm con ốc vào hỗn hộp sữa và trứng gà đánh lên.

Đây là cách cho ốc uống sữa, mấy con ốc treo trên bếp nhịn khát đã lâu nghe có nước sẽ hả ra uống sữa và trứng vào khiến thịt ốc thêm ngon ngọt. Ngâm ốc vào hỗn hợp này khoảng 30 phút, là có thể đem ra chế biến.

Bà con miền Tây luộc ốc với sả, bỏ vào nồi đậy nắp với cọng và lá sả, chờ đến khi ốc há miệng là có thể đem ra thưởng thức.

Những con ốc đã chín tróc mày, mề ốc vàng, mình ốc trắng mập nhìn rất đẹp. Món này khi luộc chín, lể thịt chấm với nước chấm cơm mẻ sả ớt thì ngon không thể tả.

Mùi ốc, mùi sả, mùi khói bếp nhai vào miệng vừa mềm vừa ngọt, hòa với vị cay nồng, chua chua mặn mặn của nước chấm cơm mẻ ớt, khiến thực khách ăn quên thôi!

T. LŨY