- Thấy chồng làm việc vất vả buổi trưa thường ăn cơm ngoài hàng, chị Thanh đã động viên anh mang cơm đi làm để cho đảm bảo.
Đối với hội chị em yêu bếp, từ mâm cơm nhà thường ngày cho đến những bữa trưa mang đi làm cũng đều cần đảm bảo đủ tiêu chí: vừa ngon lại vừa bổ dưỡng. Điều này càng được nhiều chị em chú trọng hơn mỗi khi chuẩn bị cơm hộp cho chồng. Chị Phương Thanh (35 tuổi, sinh sống tại Bắc Giang) cũng không ngoại lệ. Chị Thanh cho biết, chị cảm thấy hạnh phúc vì được tự tay làm những món ăn ngon cho chồng mang đi làm.
Giống như nhiều phụ nữ khác, chị Thanh thường có sở thích nấu ăn và shopping. Khi rảnh rỗi, chị thường lên mạng để học hỏi các cách làm hay của mọi người trong nấu ăn, trang trí nhà cửa và cắm hoa.
''Mình thường chuẩn bị cơm hộp cho chồng mang đi làm hàng ngày. Buổi sáng mình thường dậy sớm đi tập thể dục sau đó về chuẩn bị bữa sáng cho gia đình'' - chị chia sẻ.
Chị Thanh bắt đầu nấu cơm cho chồng mang đi làm vào giữa năm 2020. Khi đó chị thấy anh làm việc vất vả, buổi trưa thường ăn cơm ngoài hàng, nhiều khi bận lại ăn qua loa cho xong bữa nên anh hơi gầy. Sau đó thì chị đã động viên anh mang cơm đi làm ăn để cho đảm bảo. Thời gian đầu chị Thanh phải thuyết phục mãi ông xã chị mới chịu mang cơm đi làm vì không muốn vợ vất vả dậy sớm để nấu nướng. Sau đó chị cứ dậy sớm nấu và đóng hộp cho sẵn vào túi đựng để lên xe oto, thế là dần tạo được thói quen mang cơm đi làm cho chồng. Từ khi mang cơm đi làm chồng chị đã tăng được gần 3kg, đó chính là động lực để chị vào bếp hàng ngày. Tính đến nay, chị cũng đã chuẩn bị cơm đi làm cho anh được hơn 2 năm.
Việc đầu tiên chị Thanh làm trong buổi sáng là nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đó mới nấu đồ ăn để chồng mang đi làm. Nhà chị thường ăn sáng ở nhà nên ít khi ra ngoài ăn sáng. Để tiết kiệm thời gian, tránh mọi việc không bị cập rập, chị sẽ sơ chế chuẩn bị thức ăn từ tối hôm trước rồi sáng hôm sau dậy chỉ việc nấu sẽ rất nhanh. Đồ ăn sơ chế chị thường bảo quản trong hộp Tup nên vẫn giữ được vị tươi ngon.
Theo chị Thanh, chi phí cho mỗi hộp cơm dao động từ khoảng 30-40.000 nghìn đồng. Để tiết kiệm thời gian khi nấu ăn, chị Thanh còn sử dụng các thiết bị nhà bếp hiện đại. Cụ thể, chị sử dụng nồi chiên không dầu để hạn chế dầu mỡ khi chiên rán và sử dụng nồi áp suất để nấu các món cháo và canh xương.
''Chồng mình có sở thích ăn các món chế biến từ cá. Đối với các món cá thì mình thường chiên qua trước rồi bảo quản vào hộp Tup để sáng dậy chỉ việc nấu. Đối với các món thịt thì mình ướp gia vị rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, sáng dậy chỉ cần cho vào nồi chiên không dầu nên thời gian nấu rất nhanh. Mình thường nấu trong khoảng từ 15-20 phút là xong.
Khi nấu ăn mình quan tâm đến việc cân bằng các món rau và món mặn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Chồng mình cũng khá dễ tính trong việc ăn uống nên mình thường hay làm những món đơn giản, dễ nấu, hợp khẩu vị của anh'' - chị nói.
NT
Ảnh: NVCC